Sống Triết lí Cham-14. NON NƯỚC HAY CHIÊM BAO?

Phạm Công Thiện chết, trước đó Nguyễn Hiến Lê chết. Có sự nghiệp tàn độc như Hitler cũng chết, hay cao cả như Tolstoi rồi cũng chết.

1. Hölderlin:

Giàu sang trong công danh sự nghiệp

Nhưng một cách thơ mộng, con người sống trên mặt đất này.

Full of merit,

yet poetically, man dwells on this earth.

Con người cứ ham lớn, ham vĩ đại, hoành tráng mà bỏ quên cái nhỏ bé, đơn sơ, giản dị quanh ta. Trong khi chính cái sau ấy làm nên ý nghĩa đời người.

Nguyễn Công Trứ: “Không công danh thà nát với cỏ cây”, thế nhưng trước, trong và sau công danh kia, con người sống thế nào?

Lịch sử hiện đại, “một trăm năm đô hộ giặc Tây” – lo chiến đấu, ta như con đinh vít trong guồng máy cuộc chiến kia. Rồi “20 năm nội chiến từng này”, ta cũng hệt. 4 thế hệ làm dân đất Việt, con người quên… sống. Ừa thì cứ tạm quên, để lo chuyện vĩ đại, nhưng sau đó, ta làm gì?

Lẽ nào cả đời cứ sắm vai trò con vít, như thể một công cụ, một vật dụng? K. Marx cho đó là sự tha hóa – đánh mất mình cho tư bản. Sartre kêu là vong thân, cá nhân độc đáo tiêu ma trong đám đông.

Rimbaud: ‘Je est un autre’: “Tôi là kẻ khác”. Inrasara: Tuổi trẻ chìm nghỉm vào chuyện cơm áo gạo tiền. Bài thơ “Khi Quê hương vắng mặt”, viết năm 24 tuổi:

Khi Quê hương vắng mặt

Bạn bè tay sần chai

Chuyện áo cơm tất bật

Mang vợ con bên đời…

2. Mùa Xuân thống nhất đất nước, là “ngày vĩ đại” trong mùa vĩ đại – chuẩn! Dẫu sao ở đó vẫn có cái nhìn khác, Văn Cao xem đó là “mùa bình thường” mùa “đầu tiên” của đời người được sống như là con người. Từ đó con người mới nhìn ra con người, mới biết đến tình yêu đích thực:

Mùa bình thường mùa vui nay đã về

mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên

… ôi giờ phút yêu quê hương làm sao trong xuân vui đầu tiên.

ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời êm ấm.

Từ đây người biết quê người

Từ đây người biết thương người

Từ đây người biết yêu người”.

Không phải ông muốn nói khác, nói ngược, mà là với nhạy cảm của thi sĩ, ông “nhìn thấy”, và nói lên. Và khi có được mùa bình thường ấy, là ta tìm thấy Quê hương – Quê hương hiểu theo nghĩa Heidegger. Nhớ, Văn Cao là chiến sĩ, kẻ yêu quê hương rất mực.

3. Trích Inrasara, Nhập cuộc về hướng mở, 2014:

“Nguyễn Trãi:

Chắc chi thiên hạ đời nay

Mà đem non nước làm rầy chiêm bao.

Suốt chiều dài lịch sử văn học và hoạt động trí thức, kẻ sáng tạo luôn bị rầy. A. Solzhenitsyn sau thời gian dài chịu tù đày đã bị trục xuất khỏi quê hương. Kazanzakis bị mạt sát, rẻ rúng ở Hy Lạp. Sách Henri Miller bị cấm bán thời gian dài tại Mỹ đến nỗi người Mỹ phải mua lậu sách ông từ Pháp mang về. Mới nhất, Orhan Pamuk bị đại đa số trí thức Thổ Nhĩ Kì tẩy chay, đành sống cuộc đời bán lưu vong…

Bị rầy, kẻ sáng tạo luôn nhớ nhung miền “chiêm bao” vời vợi. Cho bị rầy, chấp nhận “hòa” vào nỗi “non nước” để “thiên hạ đời nay” rầy, nhưng hắn vẫn cứ nhớ nhung. Trăm bận quyết dứt áo ra đi, trăm lẻ một lần mang thân trở lại. Hắn quyết hòa giải và hóa giải chúng, dịch chuyển “non nước” vào trong “chiêm bao”, biến “non nước” làm một phần không thể thiếu của “chiêm bao”, cho chính sự “rầy” chốn “non nước” kia thành chất liệu làm giàu sang xứ miền “chiêm bao” mộng huyễn của hắn. Rốt cùng, như một biện chứng pháp của tinh thần, khi sự đối kháng giữa non nước – chiêm bao hết tồn tại, một hoát ngộ nổ ra nơi thẳm sâu tâm hồn kẻ sáng tạo: Nhà văn nhìn thấy Quê hương của mình.”

4. Làm sao hòa giải và hóa giải non nước với chiêm bao?

Là câu hỏi ám ảnh tôi từ sớm, và kéo dài. Cụ thể hơn, làm thế nào hòa giải được nhiệm vụ cộng đồng [sứ mệnh, bổn phận, sự nghiệp…] với “đời sống hiện sinh”, để có thể sống tràn ý nghĩa và chất như là một con người?

Bà Trời cho ta mỗi ngày 24 giờ. 8g làm việc nuôi thân, 8g ngủ để phục hồi năng lượng, 3g cho lặt vặt linh tinh, vậy ta chỉ còn 5g mỗi ngày.

CON NGƯỜI HƠN NHAU Ở SỬ DỤNG THỜI GIAN RẢNH NÀY.

Chủ nhật, ngày lễ, lễ lạt các loại, rượu bia, lướt mạng, thị phi… vô số thứ tiêu mất đời ta. Con người lướt qua mặt đất như bóng ma, dù họ có thọ tới đâu, cũng cứ vậy.

Tôi làm gì? – “Đốt năng lượng thừa”.

Như thời học sinh: Tôi đốt bằng học [ngoài chương trình], đọc, đi qua các palei Cham sưu tầm văn học Cham, luyện viết văn, làm thơ… tôi vui, NIỀM VUI HIỂU BIẾT, khác với vui thoáng qua của nhiều bạn học.

Sau đó, in bộ Văn học Cham cho Cham, tôi có NIỀM VUI CỐNG HIẾN. Thời gian đó, tôi vẫn làm thơ – là NIỀM VUI SÁNG TẠO.

Tóm: Đầu tiên và cuối cùng, tôi vừa có “công danh sự nghiệp”, mà vẫn cư lưu đầy thơ mộng trên mặt đất này.

“Vui một ngày, vui một đời”!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *