Thử xét 3 tiết mục.
[1] Từ con người…
“Thầy Minh Tuệ có làm gì bà đâu, mà bà la lối thầy” là câu hỏi tôi thường xuyên bắt gặp, và người nói đinh ninh mình… trúng. Bởi nhìn phớt qua, nó có vẻ như thế thiệt.
Bạn là nhân vật ảnh hưởng đến cộng đồng, một người “trí thức” “tu trí tuệ” [như bà NPH] có quyền lên tiếng, tán thán, phê phán hay bênh vực. Đó là với các nhân vật đang sống, đạo sĩ Minh Tuệ là một.
Có quyền, còn “la lối” kia đúng hay sai, mới là vấn đề.
Cạnh đó còn có “mệnh đề” khác: “Người ta chết rồi, sao lại đi nói xấu”, liên quan đến người đã khuất. Dù bạn mới đi theo ông bà như Po Dharma hay về trời hơn hai ngàn năm trước như Sokrates, khi bạn là một nhân vật lịch sử, bạn vẫn thành đề tài cho người hậu thế mổ xẻ. Bởi công trình cùng lối hành xử của bạn đang tác động đến đời sống họ.
Mổ xẻ, để học tập hay bài xích, tùy.
[2] Đến công trình, tác phẩm
Xa và đã như Đập Tam Hiệp bên Trung Quốc, gần và sắp như Kênh Phù Nam ở Cambodia, thế giới vẫn cứ bình và bàn.
Cũ xưa như Tam Quốc diễn nghĩa, cũ gần như Truyện Kiều hay hiện đại như Nỗi buồn Chiến tranh của Bảo Ninh, ta vẫn còn bàn. Khen nức nở và cả la lối cũng không chừa. Không vấn đề gì cả, vì đó là một thế giới mở.
[3] Qua sự kiện
Năm 2012, khi dấn sâu vào giải quyết vụ Ghur Raneh, một bạn thơ kêu: “Sara có phải Bà-ni đâu, khi không ách giữa đàng mang vào cổ”. Tôi nói: Sinh mệnh của trí thức là tìm lấy ách giữa đàng mà mang. Từ chối mang ách, là bạn thôi trí thức, chỉ còn là nguyên hay cựu trí thức. Thế là: im (Inrasara.com, 2012).
Năm 2017, Vụ tên “Tôn giáo: Bà-ni” bị đổi thành “Tôn giáo: Đạo Hồi”, tôi và bà con lên tiếng đang hồi gay cấn, khi không bạn học thời Pô-Klong nhảy vào còm: “Sara có là Bà-ni đâu mà lo cho Bà-ni”, bị bọn trẻ xúm lại dí tơi bời hoa lá luôn.
Tội, đó là lối tư duy hẹp, đóng.