Champa mất, người luân lạc, sách vở thất tán nhiều, tôi tìm triết lí Cham ở đâu?
“Chúng ta vỡ lòng mốc bụi dĩ vãng”, ai nói thế! Tôi vỡ lòng mốc bụi dĩ vãng Cham, và quan sát đời sống Cham hiện đại, để tìm…
1. Quan sát PHẢN ỨNG của con người Cham trước vấn đề đặt ra trong đời sống thực tiễn
1.1. Thuở bé, là các ông láng giềng quanh tôi.
Trước nhà cha mẹ tôi là Kadhar Gru Gammuk, tay chép sách với chữ Akhar thrah đẹp cực kì. Rồi Vạn Ca là nông dân-kĩ sư, luôn biết cách làm cho nông cụ đẹp nhất có thể. Cách một căn nhà là Bá Chương nghệ sĩ nòi, kế đến là Gru Chánh thầy cao đạo.
Cùng dãy, sát cạnh là Gru Urang Thiên Sanh Sở, là thầy dạy trống Ginang. Trong khuôn viên nhà tôi là Mưdwơn Gru Dương Dọng.
Bên kia hàng rào miệt nam là ông Đạt Bình tay trống Ginang kì tài. Nối hàng rào là Mưdwơn Gru Hán Phải và Phok Dhan Cơk, nhà Yogi cuối cùng của Cham, người nhiều lần có mặt trong trang viết tôi. Nữa, sát cạnh là Mưdwơn Thạch Tìm, nổi tiếng thế nào ai cũng biết. Sau nhà tôi là Pô Adhya Hán Bằng.
Có những láng giềng như vậy, không là đặc ân lớn sao?
1.2. Kế tiếp là những ông thầy ngoại hạng.
Tiểu học, Hiệu trưởng Quảng Đại Hồng, nhà giáo chân chính và nhiệt tâm nhất mà tôi từng biết. Huỳnh Ngọc Sắng, một trong ba thi sĩ tài hoa nhất của Cham thời ấy. Bình Bộ, là chân sút số một Cham, nếu không muốn nói số 1 Tỉnh.
Lên Trung học tôi có 4 ông thầy.
Thầy Thành Phú Bá hiệu trưởng An Phước, đạo mạo và chân phương. Thầy Đàng Năng Quạ, với tài nghệ trời cho, thầy Quạ chính là người khởi động sáng tác ca khúc tiếng Cham.Rồi thầy Lưu Quang Sang, thầy Nguyễn Văn Tỷ…
1.3. Vào Ban Biên soạn sách chữ Chăm, tôi nhỏ tuổi nhất – 25 tuổi, giữa quý ông chữ nghĩa đầy mình: Lâm Nài, Châu Văn Kên, Bạch Thanh Chạy, Nguyễn Ngọc Đảo…
2. Qua văn bản văn chương và các bản chép tay còn sót lại
2.1. Kinh sách Cham ‘Agal’ và ‘Danak’ đang được những vị chức sắc dùng hành lễ. Trường ca thế sự, có: Ariya Glơng Anak, Pauh Catwai; trường ca triết lí: Ariya Nau Ikak, Jadar, gia huấn ca: Kabbon Muk Thruh Palei, Ariya Patauw Adat LikeiAriya Patauw Adat Kamei.
2.2. Văn học dân gian Cham, nhất là truyện cổ “Đi tìm học bán vợ”, để biết Cham quan niệm về học như thế nào: Đó chính là tình yêu tri thức, chứ không phải thứ kiến thức “bỏ vào nồi cơm”.
2.3. Tục ngữ Cham
Cho tôi biết quan niệm của Cham về đất, về sở hữu, về phân công giới trong gia đình và xã hội ở Chế độ gia đình Mẫu hệ, vân vân.
3. Đối chiếu với kinh Bà-la-môn/ Ấn Độ giáo
Để biết Cham vay mượn, cải cách và sáng tạo như thế nào, ở đó biểu tượng Haumkar là một.
Nếu ở Minh triết Cham, tôi phải sống [Serie “Sống Minh triết”] trong, cùng, qua nó để làm ra nó, thì ở Triết lí Cham, tôi cũng hành xử không khác.
Bởi triết lí không phải là bộ môn nghiên cứu khoa học thuần túy, mà để sống: SỐNG TRIẾT LÍ.