Sống Triết lí Cham-3. TÔI CÒN NỢ CHAM NHỮNG GÌ?

Mưtai kloh thre’, Cham nói: Chết hết nợ, còn sống là còn nợ.

Nợ ơn sinh thành: cha mẹ, nợ thời dưới chơn thầy, nợ chủ hộ: gánh vác sự nghiệp vợ con, và nợ cộng đồng. 4 khu vực này, tôi đã tư và hành thế nào?

1. Công ơn sinh thành

Tuổi thanh niên, tôi 1 lần duy nhất làm cha mẹ buồn – rất buồn, giật mình, tôi hứa với lòng không bao giờ nữa, để rồi từ đó luôn mang niềm vui cho song thân.

In cuốn Văn học Cham-II, Trường ca trong đó có thi phẩm Pauh Catwai bản ‘Akhar thrah’, tôi mang về tặng cha, cha không nói gì, chỉ lật qua và mỉm cười. Với mẹ, mỗi bận Sài Gòn về, tôi ngồi mươi phút, nửa tiếng nghe mẹ xổ lòng.

Tôi có mặt khi cha mẹ “về”, đám tang song thân, anh chị em tôi lo nhẹ nhõm.

2. Trường Pô-Klong, nơi nuôi lớn tâm trí tôi, nơi tôi tiếp nhận tính cách và tinh thần của “Những người thầy của tôi” – là món nợ lớn.

Ban Biên soạn sách chữ Chăm, từ 1982-1986, nơi tôi học rất nhiều từ quý thầy, các bác ‘glong akhar’ “cao chữ”. Học tri thức thì ít, tính cách Cham ở họ nhiều hơn. 8g sáng vào việc, mà việc ở đó không nhiều; 4g chiều hết giờ, trong khi các bác ngồi bàn cờ tướng, tôi đọc. 4 năm, tôi đọc nát văn bản chép tay Cham cùng trăm tác phẩm ngôn ngữ học các loại.

Video clip Ban Biên soạn sách chữ Chăm, Dấu ấn để lạiTrường Trung học Pô-Klong, Ký ức và âm vang trên Inrasara-TV, coi như tôi trả xong nợ này.

Ở đây xin nói lời ‘đwa apakal’ “tạ công lao” đóng góp của anh Ysa Cosiem, yut Quang Can, kamôn Amu, và các cộng sự: Xuan Bao, Jaka, Phú Minh Tâm, Jaya…

3. Vai trò “chủ hộ”, tôi sắm ngon lành.

Thuở đất nước trường kì ăn độn, ở quê – tôi nuôi gia đình 5 nhân khẩu đủ đầy. Nhập cuộc chơi lớn – vào Sài Gòn, tôi đóng góp phần nhiều vào gia sản chung, cạnh đó còn mang đến bộn “vốn vô hình” nữa.

Các thành viên có tận dụng được nó không, là vấn đề của họ.

4. Tôi còn nợ Cham những gì?

Nỗi cũ đã xong, từ tuổi 60, ở giai đoạn cuối của một đạo sĩ Bà-la-môn: “Phong phanh giữa trời đất”, tôi còn “nợ” gì?

[1] Sau loạt serie “Sống Minh triết” đăng trên website Inrasara từ 2015, tôi cho ra đời cuốn Minh triết Cham-2017. Rồi sau hai lần tái bản, Nhà xuất bản Tri thức in lần tư năm 2024, coi như bản trọn vẹn.

[2] Đường về Chàm khởi động từ mùa Thu năm 2022, là cuộc kể dài ngày câu chuyện Cham qua nhiều thời đoạn khác nhau, sẽ kết thúc với khoảng 1.200 trang in. Đường về Chàm là một faction tiểu thuyết dữ liệu phi hư cấu, về toàn cảnh xã hội Cham.

[3] Serie “Đi tìm Sinh lộ cho Cham Ahier Awal” viết từ 2017, cùng thời gian tôi san định Kinh sách Cham [2017-2023], gần đây là serie “Sống tôn giáo”.

Tôi đang gạn đục khơi trong, không phải để làm nên cuốn tôn giáo Cham, mà tinh lọc từ nhiều nguồn để cho ra đời Agal Cham cho cả Ahiêr Awal.

[4] Từ ngày 24-10-2024, tôi đăng loạt tút “Sống triết lí Cham” với ý định dựng nên công trình mới: Triết học Cham. Công cuộc này bao giờ kết thúc không biết được, nhưng chắc chắn nó là món nợ cuối cùng tôi trả cho Cham.

Dù phong phanh “vui một ngày, vui một đời”, tôi vẫn chưa bao giờ rời bỏ trận đi…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *