[bài-2. Sau bố mẹ mất, làm sao anh chị em vẫn hòa thuận? – 5 nguyên tắc, tặng Kim Ni đọc vui]
Sống hơn nửa đời hư, tôi chứng kiến khối bất hòa, bất hòa đến tan cửa nát nhà giữa anh chị em trong gia đình. Do tâm ác có, ích kỉ hay tham lam có, thiếu hiểu biết cũng có luôn, và lắm khi chỉ từ vài xuất phát điểm rất vớ vẩn, mới tội.
Vậy đâu là nguyên nhân chính?
[1] Tài sản bố mẹ
Tôi hay nói đùa, bố mẹ có khi không tài sản gì, lại là hay.
Có, sinh ra đủ thứ phiền. Kẻ giành phần nhiều, con muốn ôm riêng rồi sanh chuyện, đến nỗi đứa vô tư nhất cũng bị lôi vào cuộc.
Gia đình nọ, bố mẹ có miếng đất, lúc bỏ hoang thì không sao, đột ngột nó được quy hoạch, giá nhảy vọt lên, thế là chị em đấu đá không nhìn mặt nhau, đến chết.
Gia đình nữa, chị cả được cả nhà kưng, bố mẹ mất, sanh tâm tham đòi ôm riêng mình, gạt phăng mấy em ra, vì ta mẫu hệ trong khi bản thân ta chả đóng góp là bao.
Tôi làm gì? Xong phận sự một đàn ông Cham, tôi trắng tay và di chúc chia đều cho vợ con – vô phân biệt. Công bằng thế, đứa nào đau bao tử – kệ!
Ở gia đình cha mẹ tôi, tôi phải là người chịu thiệt trước. Chớ mình anh Hai mà đòi ôm nhiều hơn mấy em, thì ‘lingik tablơk’ “trời lật” còn miệng ăn hết ngõ nói.
[2] Về tiền
Cho anh chị em vay hay mượn, thì càng tránh. “Vay thì hả, trả thì hỉ”, mà hả hỉ với người ngoài còn lôi nhau ra tòa được, chớ máu mủ trong nhà, chỉ có từ mặt nhau thôi.
Quan điểm của tôi: Giúp được thì giúp, giúp và quên; không được thì thôi, cứ lấy tình mà xử với nhau. Và tôi đã làm hệt vậy, gia đình bên cha mẹ tôi không hòa thuận, mới lạ.
[3] Không can thiệp vào nội bộ của nhau
Vợ ông anh, chồng bà chị, hay mấy cháu ngoại nội, thương thì có thương, nhưng chớ chõ mỏ vào góp ý – mấy ý kiến không ai cầu ấy.
Ngay trong gia đình nhỏ của họ, đứa này mắng vốn đứa kia, tôi cũng cực giản đơn: Hai con lớn cả rồi, ngồi lại mà bình tĩnh nói chuyện với nhau đi.
‘Brah dalam padai, hatai dalam tian’ “Đèn nhà ai nấy tỏ”, cứ thuộc nằm lòng câu này mà mang ra xài.
[4] Nói xấu nhau
Gia đình nọ đông anh chị em chia bè phái chả khác một đảng chánh trị! Mà cha mẹ lại đi bày mưu, mới chán chớ. Từ đó, anh chị em bôi tro nhau, bày trò hại nhau, còn xúi kẻ ngoài hại người máu mủ của mình nữa.
Tôi, mỗi bận anh em trong nhà có này nọ, tôi nói đơn giản, tánh anh thế, mẹ cha cho anh thế rồi, lẽ nào hốt đi bỏ. Vậy thôi, nỗi lòng có chất đầy bụng cũng mất hứng… nói xấu luôn.
[5] Đùn đẩy trách nhiệm
Nhất là khi bố
mẹ già yếu, bệnh tật, là thời gian mà nỗi này bị đẩy lên cao trào. Ở đó anh chị em thi nhau kể công! Mẹ tôi thường dẫn ca dao Việt:
“Cha mẹ nuôi con như hà như hải/ Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày” – Ông bà xưa nói đố có sai!
Giải quyết thế nào? Chính tại đây vai trò và uy tín của anh Hai mang tính quyết định. Anh Hai thay mặt cha mẹ, phân công rành mạch và công bằng. Còn gia đình mà anh Hai không ra hồn, thì nát!
Gia đình cha mẹ tôi, trước vấn đề lớn nhỏ, tôi thay mặt anh Hai giải quyết không ‘jwak jih’ “thiên vị”, mọi chuyện mới ổn thỏa.
Thuk siam!