Thơ của bạn thơ-71. VÀI CÂU HỎI MANG TÍNH GIẢI ĐỊNH KIẾN

[ý chính tham luận tại Nha Trang, 6-10-2024]

Như thói quen, ở đây tôi nói chứ không đọc tham luận – đúng 8phút. Và do phát biểu trên diễn đàn, tôi cũng cho khiếm danh các đối tượng.

1. Giải định kiến-1. Hiện đại thì không bản sắc

Tôi dẫn nhà thơ Lò Ngân Sủn khi anh bàn về Tháp nắng. Câu hỏi:

– Anh chưa biết văn học Cham thế nào, thì làm sao biết thơ Inrasara thiếu bản sắc Cham?

– Nữa, khi đã hiện đại, nhà thơ phải đánh mất bản sắc sao?

+ Giải minh: Thơ Inrasara khởi sinh từ nền tảng bộ Văn học Cham 7 tập, phát triển và sáng tạo.

2. Giải định kiến-2. Ngôn ngữ thơ ngô nghê ngọng nghịu

20 năm sau, Nguyễn Hòa lặp lại y hệt, khi bàn về thơ trẻ DTTS. Câu hỏi:

– Đa phần nhà thơ trẻ DTTS làm thơ tự do không vần, mà loài này là kho trời chung của nhân loại, đâu phải độc quyền người Việt, sao nhà thơ DTTS không thể vận dụng!

– Tại sao cứ đòi hỏi cách diễn đạt và ngôn ngữ tiếng Việt của nhà thơ DTTS là phải ngây ngô, ngọng nghịu?

+ Giải minh: Cần đọc hệ thống 3 thế hệ nhà thơ DTTS mới biết thế hệ thơ trẻ “tiến bộ” thế nào. Nữa, cần nắm bắt hiện tượng chuyển di “tài năng” mang tính địa lý.

3. Giải định kiến-3. Thơ trẻ giống nhau quá, ý của thơ Hữu Thỉnh. Câu hỏi:
– Bạn đã đọc cùng có thao tác đối sánh đủ đầy thơ trẻ chưa?

+ Giải minh: Nêu nhà thơ tiền-trẻ để dễ kiểm chứng. Sài Gòn, cùng địa phương và cùng thế hệ, Nguyễn Hữu Hồng Minh khác Lê Thiếu Nhơn khác Phan Trung Thành; cùng hệ mĩ học hậu hiện đại: Phan Bá Thọ khác Lý Đợi khác Bùi Chát. Về nữ, thơ Phan Huyền Thư khác Vi Thùy Linh khác Ly Hoàng Ly – khác cả vực thẳm!

4. Giải lạc hậu, ở đây không cần đặt câu hỏi.

Dẫn vụ Đỗ Hoàng lục bát hóa thơ Tự do được Trần Quang Đạo tụng ca, rằng là sáng tạo, rằng vô cùng độc đáo, tôi bình: Người làm lạc hậu đã đành, người phê bình cũng lạc hậu nốt!

+ Vụ này Đỗ Kh đã làm từ năm 1996, sau đó Bàn tròn Văn chương về thơ Lê Vĩnh Tài đã bàn hồi 2007, vậy mà 4 năm sau ta làm mà hô “vô cùng độc đáo” mới ghê!

5. Giải ảo

Tôi dẫn nhà thơ Trần Mạnh Hảo chê thơ Nguyễn Quang Thiều là loài “thơ Tây giả cầy”, và cho đó là cách mù sờ voi, đầy may rủi. Câu hỏi:

– Bạn đã biết thơ Tây thế nào chưa? Chưa, thì làm sao biết nó giả cầy ra sao?

– Có ngàn loài thơ Tây khác nhau, vậy Tây nào đây hãy chỉ ra?

+ Giải minh: Thơ Pháp thế kỉ XX, S-J. Perse khác Apollinaire khác René Char khác J. Prévert khác Paul Éluard…

Tôi kết: Các lối phát ngôn tùy tiện trên dễ làm vẩn đục khí quyển văn chương hôm nay.

Câu hỏi lớn: Nhà thơ DTTS làm gì, ngày mai?”

Từ làng bản xuống phố thị, bản sắc và hiện đại, đi đến tận cùng dân tộc để vươn ra thế giới. Ta hiểu ta bản sắc, ta hiểu ta là một bộ phận đa dạng trong thống nhất. Nhưng dù bản sắc thế nào đi nữa, vẫn cần đến thái độ “Nhập cuộc về hướng Mở”. Mở nhưng không từ bỏ người quê hương.

Sau khi mở trọn vẹn, ta làm cuộc về nguồn, với tâm thế khác.

Như cá nhân tôi,

Lúc này ở REX tại Sài Gòn, Giải Sách Hay Viện IRED – nơi tôi là thành viên Ban Xét giải – tổ chức, tôi quyết xa chốn “sang trọng” ấy để chọn dự cuộc hội thảo đầy khiêm tốn này.

Tôi cũng đã sẵn sàng rời bỏ Chủ tịch Hội đồng Thơ của Hội Nhà văn “cao cả” để nhận một vị trí nhỏ bé trong Hội đồng Thơ của Hội ta.

Như 4 năm qua sau khi đã đi “muôn nơi”, tôi trở về Chakleng quê nhà.

Nhà văn là kẻ lưu giữ kí ức dân tộc, để kể câu chuyện dân tộc mình đến với thế giới ngoài kia.

P.S.

Ngoài lề, tôi nói với Cao Duy Sơn, rằng “thế hệ vàng” [chữ nhà văn dùng] đã đi xa gần hết: Y Phương, Lò Ngân Sủn, Mai Liễu, Lò Cao Nhum; riêng Pờ Sảo Mìn thì bồng bềnh, Dương Thuấn chọn ẩn cư; còn mỗi Inrasara nguyện làm “chất trụ” cho thế hệ mới đứng trên vai mà bay lên [hay ngồi xuống, tùy]!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *