“Bạn là trung bình cộng 5 người bạn thân nhất”, được cho là câu nói phản ánh đúng vị trí cuộc sống của 1 người. Với ai khác thì có thể, với tôi: SAI.
Tôi khó bị tác động, mà CHỦ ĐỘNG HỌC từ cái độc đáo nhất của người ấy, dù chỉ gặp vài lần, cả khi tâm tính hay nếp sinh hoạt cách nhau vực thẳm.
Học, không phải kiến thức, mà cái khác.
[1] Lớp đàn anh, chắc chắn thầy Nguyễn Văn Tỷ tôi hay lui tới và thân nhất, cũng có thể gọi là đồng đội, nhưng thầy không ảnh hưởng gì đến tôi.
Ngược lại, thầy Lưu Quang Sang ít gần gũi hơn, tôi học ở thầy phong thái nói chuyện: Thông minh, đĩnh đạc.
Nữa, Po Dharma dù không thích tôi, tôi học từ anh phong cách thuyết trình: Tự tin, cuốn hút. Năm 1993, nghe anh nói chuyện ở Viện KHXH – TPHCM, một lần thôi đã tạo cho tôi ấn tượng mạnh, và tôi học.
[2] Bạn bè Cham, tôi có vô số, thân thiết và tuyệt không xung đột.
Lưu Văn Đảo là một trong vài. Yut luôn khen và hỗ trợ tôi khi tôi cần đến. Lạ, yut chẳng có chút ảnh hưởng đến tôi.
Trà Vigia ngược lại, chưa một tiếng khen mà luôn chê tôi, lắm khi trước mặt mọi người. Nói nhiều mươi điểm cũng trúng 1, điều quan trọng là tôi biết lắng nghe và học từ điểm trúng đó, còn lại cứ cho chúng thoải mái đi từ tai này qua kia. Không mất bình tĩnh, không giận, suốt 40… năm!
[3] Cuối cùng, tôi học nhiều và lớn nhất từ Ariya Glơng Anak!
Tôi nghĩ có lẽ do tôi biết và thuộc “trường ca ngắn” – từ dùng của nhà thơ Nguyễn Thụy Kha – này sớm [4 tuổi] mà chịu tác động chăng, nhưng không.
“Trí thức” Cham thế hệ trước tôi cũng cho đó là tác phẩm “lớn” nhất, dù khi hỏi lớn thế nào, chưa có ai giải minh thấu đáo; nếu có, thường lạc đề.
Chính học vô số điều ở Ariya Glơng Anak, mà tôi rút tỉa được cái độc đáo từ 3 sinh linh Cham trên, không đáng quỳ gối trước vong linh tác giả sao?!
Tôi rất khoái được/ bị chê, ngoài đời hay trong văn chương, để tôi thấy cái sai mà sửa, mà HỌC. Còn chửi thì khác, xuyên tạc ác ý càng khác nữa. Đó là lằn ranh đỏ không được vượt qua, vi phạm 1-2 lần, tôi nhắc không xong – cut!
P.S.
– Tôi học ở Ariya Glơng Anak: Hiểu người, hiểu thế cuộc, tâm không sân hận, khiêm cung, chân thành, hòa [mà không] đồng, bênh vực bộ phận người yếu thế, nghĩ lớn làm nhỏ… và tối thượng: chú ý đến NGÔN TỪ ‘PWƠC, PANWƠC’.
– Lạ lắm, Cham hoặc khen hoặc chửi, chứ hiếm khi chê tôi. Mỗi Tiến sĩ Thành Đài, “Inrasara có ngàn điều đáng khen, mối thứ đáng chê là thiếu khiêm tốn”. Nhưng đấy lại là chê sai, bởi tôi muốn và cố ý thế: THIẾU KHIÊM TỐN!