Nỗi Cham-4. LẠI GIẢI HUYỀN THOẠI HUYỀN TRÂN

[đặt nền móng cho Hiểu biết]

Báo VTC News, ngày 26-8-2024 – Kim Nhã giật tít: “Công chúa duy nhất của Việt Nam được phong hoàng hậu ở nước ngoài là ai?” Cũng vui, tiếc là vẫn là mấy ý cũ lặp lại:

– Huyền Trân được hứa gả cho vua Chiêm Thành là Chế Mân, dù lúc đó vua đã hơn 80 tuổi (sic).

– Sau khi kết hôn, vua Chiêm Thành phong Huyền Trân làm Vương hậu.

– Một năm sau khi trở thành Vương hậu, vua Chế Mân chết

– Huyền Trân được vua Trần Anh Tông sai tướng Trần Khắc Chung cướp về

– Vì theo tục lệ Chiêm Thành, vua mất hoàng hậu phải lên giàn hỏa chết theo.

Hóa giải sự vụ nào bất kì, cần đặt trên nền tảng: sự thật và tâm thành. Huyền thoại công chúa Huyền Trân cần hai nền tảng đó hơn bao giờ.

[1] Thứ nhất, “sự thật” được kể lại trong chính sử, ở đây là Đại Việt Sử Ký Toàn Thư.

Ngô Sĩ Liên viết xong 1479, sau nhiều lần chỉnh sửa, quyển sử được phát hành chính thức năm 1697. Về huyền thoại Huyền Trân, sau đây là vài cột mốc chính, nguyên văn:

Huyền Trân Công chúa sinh 1287, mất 9-1-1340

Năm 1301, Trần Nhân Tông ghé thăm và ở lại Chiêm Thành non 9 tháng.

Tháng 6-1306: Huyền Trân lấy Chế Mân Jaya Simhavarman III (1288-1307), được phong Vương hậu thứ 2 với phong hiệu là Paramecvari.

Tháng 5-1307, Chế Mân băng hà. Nguyên văn: “Theo tục lệ Chiêm Thành, chúa chết thì bà hậu của chúa phải vào giàn thiêu để chết theo.”

Tháng 9-1307: Huyền Trân sinh thái tử Đa Da

Tháng 10-1307: Khắc Chung đến kinh đô Đồ Bàn bày mưu giải cứu Huyền Trân. Nguyên văn: “Khắc Chung dùng thuyền nhẹ cướp lấy công chúa đem về”

Tháng 8-1308: Sau 10 tháng lênh đênh ngoài biển, Huyền Trân về đến Thăng Long. Cuối năm 1308: Công chúa cắt tóc đi tu.

Năm 2006: Đền thờ Huyền Trân Công chúa tại núi Ngũ Phong, Huế. Thành phố Huế và TP Hồ Chí Minh đều có con đường mang tên Công chúa.

[2] Trên nền tảng “sự thật” được kể lại đó, ta thử xét “Văn hóa Cham nhìn từ Cham”, qua đó hóa giải vấn đề đến bây giờ vẫn còn bị ngộ nhận.

Giải huyền thoại-1. Champa có buộc “bà hậu của chúa phải vào giàn thiêu để chết theo” không?

Hãy xét sự vụ vua Pô Rômê (1627-1651). Ông có 4 bà vợ, ông mất, bà thứ nhất là Cham không lên giàn lửa, sau này được chôn trên đồi tháp mang tên ông. Bà thứ hai người Malaysia được cho về cố quốc. Bà nữa người Việt, công nữ Ngọc Khoa con chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên đi đâu không biết. Riêng bà hậu người Radhe lên giàn hỏa theo ông, để sau người Cham tạc tượng trang trọng đặt cạnh tượng Pô Rômê trong ‘kalan’.

Sự thể nói lên điều gì? Lên giàn lửa là tự nguyện, chứ không bắt buộc.

Liên hệ với sử Trung Quốc, việc chôn theo vua thì bạt ngàn, còn Champa họa hoằn lắm chứ không có chuyện “Theo tục lệ Chiêm Thành, chúa chết thì bà hậu của chúa phải vào giàn thiêu để chết theo.”

Giải huyền thoại-2. Tháng 5 Chế Mân mất, nửa năm sau Khắc Chung mới đến Đồ Bàn để cướp Huyền Trân. Tục lệ Cham thời ấy, người chết sau 7 ngày là hỏa thiêu. Nếu buộc lên giàn lửa thì công chúa đã ra tro rồi, còn đâu cho họ Trần cướp!

(Nếu cho là đợi Huyền Trân sanh mới lên giàn lửa sau [là điều không thể có], ta có 3 “giải” tiếp sau).

Giải huyền thoại-3. Nếu phải giữ theo tục, thì công chúa là báu vật phải được canh gác cẩn mật tầng tầng lớp lớp, dễ gì Trần Khắc Chung dụng mưu cướp được.

Giải huyền thoại-4. Nếu có cướp được, thuyền của Trần Khắc Chung là thuyền nhẹ, trong khi hải quân Champa được cho là hùng mạnh nhất trong khu vực, thử hỏi chạy đâu cho thoát?

Giải huyền thoại-5. Ví có thoát được, suốt 10 tháng lênh đênh ngoài biển, hỏi thuyền nhẹ kia có chịu đựng nổi bão tố miền Trung? Làm như đấy là du thuyền hiện đại! Biển miền Trung chớ đâu phải vịnh Bắc Bộ! Rồi thực phẩm, thuốc men vô số thứ cho đoàn tùy tùng nữa…

Kết. 

Do không hiểu phong tục tập quán Cham, thế nên tác giả Đại Việt Sử Ký Toàn Thư đã hư cấu nên huyền thoại. Hư cấu này dẫn đến mấy hệ lụy: Bang giao Champa – Đại Việt đang tốt lành thành vấy bẩn; đổ oan rất tội cho công chúa tài hoa. Từ hư cấu đó, các nhà văn sau này thiếu văn hóa tra cứu, đã hư cấu mắm muối thêm. Theo tôi biết, đến hôm nay đã có ít nhất 5 tiểu thuyết lịch sử dựa trên hư cấu này. Tội hôn?

Văn hóa Cham cần nhìn từ Cham, và huyền thoại này cần được giải một lần và mãi mãi – là vậy.

P.S.

Bài báo:

Công chúa duy nhất của Việt Nam được phong hoàng hậu ở nước ngoài là ai? (vtcnews.vn)

Inrasara-TV

7. Giải huyền thoại Huyền Trân (youtube.com)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *