Sống tôn giáo-49. ĐÁM THIÊU & NỖI NIỀM MA HỜI HIỆN ĐẠI

Hôm qua, tôi được Xuan Bao gửi cho tin này [ảnh]. Đọc, tôi tin nick Phu Halen nghĩ thật, đau thật, và viết thật. Là điều quý. Tiếc, bạn không hiểu sự việc, càng không hiểu triết lí Cham, nên mới thế. Xin tuần tự…

[1] Cham Ahiêr (Cham Bà-la-môn) trưởng thành khi mất đi, dù gì cũng nhận được đặc ân tối thiểu: THIÊU. Nếu không qua đám thiêu, sinh linh ấy sẽ thành Ma Hời, là điều Cham hãi nhất đời. Suốt chiều dài lịch sử, đã có hàng triệu Ma Hời tồn tại. “Muôn Ma Hời sờ soạng dắt nhau đi” [Chế Lan Viên]. Bởi đâu? – Người sống chạy loạn, không kịp làm đám thiêu cho người thân mất, để họ ở lại “suốt đời” với đất.  

Thời cận đại, tình trạng này vẫn còn. Chú Mưdwơn Hán Phải tôi kể, thập niên 1940 dịch tả tràn lan, dân chết, bà con rời làng dắt díu nhau trốn lên rừng, xác người bỏ lại. Họ hàng không còn, kẻ thiếu may mắn kia thành… Ma Hời.

Nỗi này ám ảnh đến nỗi lúc chú bệnh nặng, khi ấy tôi đã dân Sài Gòn, chú vẫn gượng nằm chờ… tôi, chỉ để trăn trối: Trạm can thiệp giúp đừng để chú phải chịu chôn cho đất ăn [‘haluk bbang’] nhé. Nhưng rồi chú cũng đành tuân thủ phép làng: chôn! Tại sao?

[2] Chính từ nỗi sợ thành Ma Hời, thời hiện đại Cham Ahiêr được ưu tiên cho đám thiêu ngay khi mất, gọi là Đám tươi [‘ĐAM THAT’]. Cớ sao lại nẩy ra vụ CHÔN tạm như hiện nay? – Nó xuất phát từ dân Chakleng [sanh sự], qua mấy nguyên do:

– Khi ấy Cham còn rất nghèo, không chuẩn bị tiền của kịp cho Đám.

– Từ ngày mất đến ngày [lành] để làm Đám, có khi kéo dài đến vài tuần, khá mất vệ sinh.

– Rồi sự cố xảy ra. Ở đám thiêu nọ, “phim” lạc đi để cho dân Tây xem mà khiếp: Phong tục Cham dã man quá đỗi, chặt đầu người chết.

Và nhiều nguyên do nữa, thế nên Chakleng mới QUYẾT: Gửi thân cho Thần Đất giữ tạm, khi nó được tiêu hết, giở lên làm đám thiêu, gọi là ĐAM THU Đám khô.

Đồng dao Cham:

Ciim dak ciim din/ Kauh nhjuh amil/ Ơm Cam mưtai

Paxeh rok nau rok mai/ Jiơng grwak jiơng đang

Palei Yok Yang/ Thuw ngap ratak…

Chim dak chim din/ Chặt củi me/ Thiêu người Chăm chết

Ông thầy Xế giở qua giở lại/ Lật ngửa lật nghiêng

Làng Thanh Hiếu/ Biết trồng đậu…

[3] Hiểu sai tập tục & triết lí Cham

– Cham nhận ảnh hưởng văn minh Ấn Độ. Ở Ấn người mất được làm đám thiêu ngay, xong tất cả tro cốt cho xuống Sông Hằng, như thế thì hư vô quá! Cham nghĩ khác và siêu hơn: Giữ lại 9 miếng xương trán, đợi ngày vào Kut, mọi người được sum vầy trong “nghĩa trang” tộc họ, đời đời tồn tại [tôi nhiều lần ca tụng Kut Cham Ahiêr là văn minh hàng đầu thế giới].

– Người thân mất, buồn và đau, ai mà chẳng! Còn khi được hưởng Đám thiêu, là NGÀY VUI. Vui, vì ta sắp về gặp ông bà tổ tiên.

– Ngay cả khi làm Đám tươi, tay chân thò ra khỏi giàn lửa cũng chả sao. Người đến xem đông đen, ông thợ đẩy nó vào giàn cho lửa tiêu tiếp. Để người sống thấy tận mắt và hiểu, rồi một ngày – chắc chắn, thân bạn hôm nay dù ngon lành đến đâu cũng rồi sẽ rã tan như thế, vậy hà cớ hôm nay ta không SỐNG ĐẸP với nhau?!

[4] Giải quyết thế nào? Chuyện này tôi đã bàn từ 2017 ở serie: “Đi tìm Sinh lộ cho Cham Ahiêr Awal”, nay tóm:

Từ đầu thập niên 1980, Chakleng buộc “Đứa con của Đất” mất đi phải chịu lên phần đất tạm sau đó mới được “giở lên” làm Đám khô, từ đó các palei khác noi theo, riêng chức sắc Bà-la-môn là ngoại lệ. Hiện tại, các trở ngại cũ đã bị thời đại vượt qua: Điều kiện kinh tế, vệ sinh, dân số đông kéo theo nhiều người “đi xa” hơn khiến phần đất tạm chật. Làm gì?

Tôi có 3 đề nghị:

– Cách 1, người mất được cho vào hòm [vấn đề vệ sinh], rồi hành lễ ngay như tập tục.

– Cách 2, người mất, trong 24 tiếng hành lễ rồi đưa vào lò thiêu, trở về làm đám – hiện đại mà vẫn truyền thống. Cham Bà-ni xưa nay đều thế: Ngay trong ngày, người mất được đưa vào Ghur chôn, rồi về làm Padhi.

– Về ngày LÀNH, ngày nào cũng lành, miễn đủ 3 ngày 1 buổi. Thời gian cũng cần rút lại còn 2 ngày lễ 1 buổi thiêu [bỏ ngày Ở không ‘Dok thoh’].

P.S.

Phu Helen thuộc thế hệ trẻ, dẫu bạn phát ngôn chưa chuẩn mực, nhưng ý kiến ấy ta cũng nên xét đến. Bởi việc ta làm hôm nay để làm gì, nếu không phải CHO THẾ HỆ MỚI! Cho con cháu hãnh diện về Cham, hãnh diện về truyền thống văn hóa dân tộc.

Bà con, anh chị em góp ý nhé. Thuk siam!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *