Sống tôn giáo-47. TẠI SAO KÍNH TRỌNG CHỨC SẮC?

Ramưwan vừa qua, qua thăm các vị trong Sang Mưgik, tôi nói: Các vị trình độ Tiến sĩ, không sai đâu. Dĩ nhiên nếu ta biết giữ giới trong Kinh Nhật tụng, và làu thông kinh sử ông bà để lại…

Chức sắc ‘Halau janưng’ bị chê bôi – từ thế kỉ trước kéo dài đến hôm nay vẫn còn rải rác. Tại sao?

Hệ thống triết học Ấn Độ, Brahmin là đẳng cấp cao nhất, đồng thời làm nền tảng giữ cho Ấn Độ được là Ấn Độ. Và Cham được là Cham. Đẳng cấp thứ hai, vua chúa [thế quyền] có thể chuyển từ triều đại này sang khác mà chẳng hề hấn gì; chớ Brahmin mất đi, cả hệ thống tư tưởng và xã hội Ấn Độ suy đồi và sụp đổ. 

Một Brahmin nào đó chưa trót đường tu, ngôn và hành sai lạc khiến kẻ đẳng cấp Ksatriya chiến sĩ nổi giận, hậu quả: Thay vì bảo vệ Brahmin, bạn trở ngọn giáo chống lại người anh em thuộc đẳng cấp này, Cham nát bét từ đó.

Lí là vậy, còn tình và thực tế thế nào?

Chưa trót đường tu, là lỗi ở lịch sử, chứ không ở các vị. Champa mất, kinh sách thất lạc, giới tu hành thiếu; nữa: Cộng đồng tôn chức hơi tùy tiện, thì chuyện sai lệch là không thể tránh.

Bên Awal, thiếu Acar – dòng họ “chọn” người chưa xứng để đại diện, làm “vua” dòng tộc mình. Bên Ahier, dẫu ông có chánh tông Bà-la-môn, trong khi kẻ xuất sắc trong gia đình chạy theo ngành nghề khác, ông yếu nhất ở lại làm ‘Halau janưng’ – sai lệch thì cộng đồng lãnh đủ.

Mỗi nguyên do đó thôi cũng thấy đa phần hàng chức sắc tôn giáo Cham hôm nay “chưa trót đường tu”, dân ‘gaheh’ phê phán các vị là thiếu hiểu biết, là mang tội. Lỗi vừa từ lịch sử, vừa bởi chính chúng ta.

Hiểu, thì càng yêu hơn. Yêu và chăm lo, không thể khác.

Tuổi trẻ lang thang qua các palei chép sách, bất ngờ nhất với tôi là ‘Ciêt’ sách của cụ Huỳnh Phụng ở Chakleng, chép từ ‘akhar tapang’ của Pô Adhya palei Cakhok – vị Adhya nổi tiếng nhất vùng.

Bất ngờ, bởi ở đó có đủ: Agal Kinh, Triết Xakarai, Sử Xakkarai, Lịch pháp Xakawi, Sử thi Akayêt, Trường ca Ariya, Gia huấn ca…

Các vị Tiến sĩ Đại Việt hay Trung Hoa ngày xưa – với truyền thống văn hóa họ, sở hữu tri thức đến thế là cùng.

Như vậy, – khi đã có căn bản học vấn hiện đại, nếu giai đoạn “dưới chơn thầy” của Paxeh Bà-la-môn Cham, hay Acar trong tháng chay tịnh Ramưwan của Cham Bà-ni, quý chức sắc chịu đào luyện các môn này, Tiến sĩ là cái chắc.

Hà cớ ta cho là các vị ‘Halau janưng’ nhà ta “ít học”? Hà cớ ta tự ti, mặc cảm?

Hiểu thì càng yêu hơn, càng trân quý vốn liếng tinh thần ông bà để lại hơn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *