Diogenes (412-323 trước CN) sinh ở Sinope, một thuộc địa Ionian trên bờ Biển Đen của Anatolia (Thổ Nhĩ Kỳ).
Ông có biệt hiệu là Diogenes Khuyển nho sĩ, một trong những người sáng lập chủ nghĩa Khuyển nho, tiền thân của Khắc kỉ. Từ hiện tượng đạo sĩ Minh Tuệ, tôi chợt nhớ đến ông.
Thử xem cái giống và khác giữa hai kì nhân này.
GIỐNG
[1] Tối giản
Diogenes ăn và ngủ bất kì đâu ông thích, tự trui luyện cứng cỏi trước thiên nhiên.
Diogenes thường ngủ trong cái lu lớn bằng gốm ngoài chợ. Ông chẳng có gì ngoài cái áo choàng, cây gậy và cái bát gỗ. Ngay bát này sau đó ông vứt luôn, khi thấy thằng bé bụm hai tay vục nước uống.
Chẳng ai có thể ăn trộm hay cướp đi hạnh phúc của ông.
Minh Tuệ y hệt, và còn hơn thế.
[2] Bất thối chuyển.
Kể rằng, Diogenes xin làm học trò Antisthenes, ông này không nhận mà còn đánh đuổi. Diogenes kêu: “Cứ đánh đi, bởi chẳng có cây gậy nào đủ cứng để xua ta khỏi người”. Rốt cùng Antisthenes phải nhận ông làm học trò.
Minh Tuệ: “làm theo lời Phật dạy” tu cho đến chết.
KHÁC
[1] Diogenes tuyên theo chủ nghĩa quốc tế và là công dân thế giới, chứ không trung thành với một thành bang nào.
Minh Tuệ đơn giản [và khôn khéo] nhận mình là công dân Việt Nam.
[2] Diogenes dùng lối sống của mình chỉ trích các giá trị và thể chế xã hội đương thời mà ông coi là thối nát.
Minh Tuệ không nhắm đến ai, mà chính chân thân ông làm kính chiếu yêu tất cả.
Giai thoại: Diogenes giữa ban ngày xách theo một ngọn đèn, mọi người kêu ông điên, ông bảo: Điên gì, ta đang đi tìm một con người.
[3] Trong khi Minh Tuệ cực khiêm tốn, Diogenes ngược lại: vô cùng cao ngạo.
Vua Alexander nghe danh ông, đến gặp và nói:
– Ta có thể thực hiện mọi yêu cầu của ông.
– Vậy thì ngay lúc này hãy tránh ra cho ta tắm nắng, – Diogenes bảo.
CODA
Diogenes bị cướp biển bắt bán làm nô lệ, rồi định cư ở Corinth. Tại đây, ông truyền triết lý của mình cho Crates.
Minh Tuệ “ẩn tu” lần hai, lần ba… Ông về đâu và làm gì, ngày mai?
Diogenes và Minh Tuệ – 25 thế kỉ của văn minh nhân loại, bạn nghĩ gì về khoảng cách thời gian và không gian này với hai sinh phận này? Buồn không!