GIẢI TRÍ ĐẦU TUẦN VỀ ĐỀ THI VĂN 2024

Phản biện của “một cô giáo có trình độ cao, hiểu biết rộng” về đề thi văn Phổ thông 2024 do facebook Canh Tranthanh đăng ngày 29-6, có mấy cái vui, Vui nữa, thêm vài còm của các bạn facebook. Tạm nêu vài món giải trí:

[1] Tôi từng nói, nhà phê bình đứng ở hệ mĩ học sáng tạo này để nhận định sáng tác thuộc hệ mĩ khác, sẽ không thấy được hay dở của nó, là cái chắc. Huống hồ, đứng ở “hệ mĩ học khoa học” như cô giáo nhà ta!

[2] Về đề thi, có bạn còm rằng vẫn có thể lấy đoạn văn dở, hỏng để ra đề cho người dự thi “phản biện”. Vụ này tôi cũng đã vài lần nói trước đó: Vẫn có thể làm hội thảo về tập thơ dở, vấn đề là ở đó ta bàn thế nào cho hội thảo thành chuyên nghiệp.

Dẫu sao đó là chuyện của sinh viên Đại học hay người viết ngoài trần gian muôn màu, chớ học sinh Phổ thông Việt Nam, thì khác cơ: cần chuẩn và hay để khen là chính.

[3] Chê rằng Thiều viết “đoạn ngắn 18 dòng mà tác giả dùng tới 11 từ “và”. Đó là chưa kể những ‘Nếu…thì”, “cũng như”… lặp đi lặp lại”.

Kiểu này thì cô giáo cũng dễ dàng chê Faulkner, văn hào này viết mươi trang văn mà không chấm, phẩy cũng chả thèm xuống dòng nữa. Hay Trần Dần thơ gì mà có mỗi chữ SẠCH mà viết hoài viết mãi không thôi!

Ở đây, tôi muốn đứng cùng chiến tuyến “hệ mĩ học khoa học” với cô giáo mà bàn. Nguyễn Quang Thiều viết:

“Lịch sử của sáng tạo nghệ thuật trên thế gian này giống sự chảy của dòng sông. Không bao giờ ngưng nghỉ. Thế hệ nước này tiếp nối thế hệ nước trước đó… Cũng như thế hệ nghệ sĩ này tiếp thế hệ nghệ sĩ khác…”

Cô giáo luận ra:

– “Nói “sông không bao giờ ngưng chảy” là sai. Rất nhiều con sông đã “chết”, cạn khô, biến mất… vì tình trạng sa mạc hoá, biến đổi địa hình, khí hậu…”

– Lịch sử nghệ thuật […] không phát triển tuần tự, tuyến tính mà là những sự “đứt gãy”, “phục hưng’, “thăng hoa” […] cho rằng sự phát triển của lịch sử nghệ thuật nhân loại là sự kế thừa tuần tự, thời sau kế thừa thời trước là chưa hoàn toàn chính xác.

Từ “chân lí”: Ta không thấy cái gì đó không phải nó không có, không hiện hữu, tôi bàn vào:

Nước sông chảy không NGƯNG NGHỈ, cũng như nghệ thuật không ngừng tiếp biến.

– Sông như thể ngưng mà không phải ngưng, ngưng – nước bốc hơi để chuyển vào dòng khác.

– Sông chết nhưng đó là “chết giả”, chết – nó thấm vào đất để tạo nên dòng mới.

+ Tạm lấy nghệ thuật thơ ở Việt Nam làm bằng, và dùng lại chữ của cô giáo, Thơ Việt phát triển “tuần tự” từ thơ cũ sang Thơ Mới [thời kì thơ Việt “thăng hoa”] qua Hiện đại rồi Hậu hiện đại…

+ Như dòng Cửu Long có thể tiếp nhận hơi nước từ trận bão xa, thơ Việt đã biết tiếp thu thơ Pháp, Anh Mỹ, Nga… để tạo sự “đứt gãy” và làm mới mình.

+ Cách tân thơ bế tắc, nhà thơ Việt Nam vẫn có thể xới lại mảnh đất cũ để “phục hưng” thơ: Lục bát với Đồng Đức Bốn, 7 chữ với Tô Thùy Yên, Haiku như Mai Văn Phấn… và không phải không ngon.

Kết. Đó là nói cho ra vẻ khoa học, chớ văn chương, liên tưởng dòng chảy của con sông với sự sáng tạo nghệ thuật dẫu là liên tưởng không mới, nhưng nó đúng và hay. Thiều lại diễn nó cực kì bay bổng!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *