Sống tôn giáo-29. BỐN GIAI ĐOẠN ĐẠO SĨ BÀ-LA-MÔN CỦA TÔI

Bài đầu tiên trong serie “Sống tôn giáo” post ngày 17-2-2024, rồi khi hiện tượng Minh Tuệ xảy đến, sẵn rạp hát luôn. Tút hôm qua “Làm sao biết Minh Tuệ đã đắc đạo?”, bạn Đoàn Xuân Mỹ còm đúng: “Muốn biết ai đó đắc đạo chưa thì cần biết anh ta tu đạo gì trước đã.”

Nay kể câu chuyện tôi đắc Đạo Bà-la-môn Cham thế nào, như một đối sánh với câu chuyện về Phật giáo đang diễn ra ở hôm nay.

[1] Trích “Bốn cứu cánh đạo sĩ Bà-la-môn & thơ”-2008:

Triết học Ấn Độ chỉ rõ bốn cứu cánh đời người, nơi ấy ở chặng cuối, đạo sĩ Bà-la-môn nỗ lực tự giải thoát để vươn đến cứu cánh tối hậu. Các hạn từ Mokca, apavarga, nirvrtti, và nivrtti “buông, thả, trả tự do, phóng thích, ra đi, từ bỏ, rời khỏi” để chỉ mục đích này.

Để vươn tới, tu sĩ Bà-la-môn cần trải nghiệm bốn giai đoạn.

Ngay buổi đầu làm ĐỜI MÔN ĐỆ antevāsin, bạn tự buộc mình vào nguyên tắc: vâng lời và tuân phục. Sống “dưới chơn thầy”, và chỉ biết có thầy guru. Đó là giai đoạn tìm học đầy hứng khởi.

Ở truyện cố Cham: “Đi tìm học bán vợ”, người học sẵn sàng trả giá đắt nhất cho việc học của mình. Học, không phải mưu lợi, mà để biết. Khi trò đã to cẳng cồ vai‘prong pha prong bira’, hãy bỏ thầy mà đi. Đi một mình. Cả thầy cũng phải đuổi trò đi, để trò dám và biết đi một mình.

Tiếp đến là giai đoạn CHỦ HỘ grhastha, ông nai lưng gánh vác gia đình với đầy đủ trách nhiệm của người chồng, người cha. Thế nên, dù dân Ấn nổi tiếng hướng vọng cõi tâm linh, chớ mong họ tha thứ cho kẻ ăn bám. Mãi khi công việc xã tắc đã xong, rũ bỏ mọi gánh nặng, cắt đứt tất cả liên quan máu mủ ruột rà, bạn dũng mãnh bước vào giai đoạn thứ ba: ĐI VÀO RỪNG vanaprastha.

Đây là giai đoạn thử thách tâm linh khốc liệt nhất dành cho một đạo sĩ. Tôi hiểu nghề nghiệp kia không phải là tôi, chức vụ và danh vị kia, tiếng tăm và tài sản kia, mặc cảm và kiêu hãnh kia… nghĩa là tất cả mọi mặt nạ nơi thế gian u tối mà tôi đang sở hữu kia không phải là tôi.

Giữa nhà grāma và rừng vana là khoảng tối ngắn ngủn nhưng dài dằng dặc, đựng chứa bao nỗi nguy hiểm rình rập. Sơ sẩy, bạn có thể hủy hoại cả “vốn liếng” gầy dựng trước đó. Một cuộc truy tìm hướng nội đầy gian nan đòi hỏi đạo sĩ Bà-la-môn dũng mãnh lao vào. Nhảy qua và cắt phăng cây cầu dẫn về trần gian, để dấn mình trọn vẹn vào giai đoạn cuối cùng: GIAI ĐOẠN KHẤT SĨ bhiksu, làm kẻ lang thang vô gia cư, “phong phanh giữa trời đất”!

[2] Bốn giai đoạn đạo sĩ Bà-la-môn của tôi

Mang gien đẳng Bà-la-môn [ông nội tôi cấp Paxeh], tôi HỌC từ sớm [qua ông ngoại – một Gru urang Thầy Cao đạo đồng thời tác giả trường ca Ariya Rideh Apwei]. Lớn lên, tôi tìm đến tận nhà các vị Cham giỏi nhất, để học.   

Không khuôn mình trong Cham, tôi mở ra thế giới. 20 tuổi tôi học Krishnamurti và Heidegger. 21 tuổi tôi cạo đầu lên núi học Phật. “Khi tôi chỉ còn bóng tối làm bạn đồng hành” – thơ viết 22 tuổi.

27 tuổi lập gia đình, tôi chu toàn đời sống CHỦ HỘ, mãi đến “đại gia” bước sang tuổi ngũ thập, tôi rủ Hani bỏ phố về làng [“rừng đời”, chữ trong Hành hương Em-1999], nàng không thuận, tôi về một mình. Cho đến 65 tuổi, tôi buông tất cả để “phong phanh giữa trời đất” [đã kể].

Thế nhưng, thay vì làm bhiksu cổ điển như đạo sĩ Minh Tuệ, tôi “khất sĩ” theo thể cách hậu hiện đại. Giữa chợ đời, tôi làm 3 việc: Lan tỏa Đạo Thơ, Đi tìm Sinh lộ cho Cham Ahiêr Awal, và kể câu chuyện Cham ra thế giới. Cho đến… chết!

Đích thị là một cận-Bồ tát-nghệ sỹ para-Bodha-artist!

Heleh!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *