Giải trí cuối tuần. GIẤC MƠ BẤT TỬ – CHUYỆN ĐÙA!

[sau tút này, tôi vào viện làm đẹp, facebook tạm nghỉ 3-4 ngày]

Trăm năm nữa, người đời nhắc tên, nhà phê bình trích đoạn thơ, tên tác phẩm nào đó của tôi người nhà nghiên cứu đưa vào mục sách tham khảo… Chà chà, mỗi bận tưởng tượng đến mấy nỗi đó, tôi không khỏi bật cười.

Tô Thùy Yên:

Như ta đứng nhìn kiêu hãnh xót xa

Chính bản thân ta trong viện bảo tàng

Nguyễn Quốc Chánh:

Có những kẻ vĩ cuồng đến độ

Chưa mọc răng khôn mà đã sợ đời quên

Tháng trước tôi nhận bưu phẩm từ Bắc, ngoài bì ghi: Nhà thờ Inrasara. Không cười sao được! Con người nổi tiếng là thế, nhà thơ vang danh là vậy, bỗng nhiên biến thành NHÀ THỜ.

Còn đỡ! Chớ hồi Sài Gòn, không biết bao lần, bưu phẩm ghi “Công ty Inrasara”. Họ cứ ngỡ tôi là công ty nước ngoài nào đó đóng trụ ở Việt Nam.

Ngay quê hương bản quán cũng hệt luôn. VTV làm phim về tôi, vào giàn nho quay cảnh nhà thơ “thực địa”, mấy chị Việt hỏi: – Anh chị quay gì thế? – Làm phim về nhà thơ Inrasara nổi tiếng của quê chị đấy. – Ui, nhà thơ đây biết Hàn Mặc Tử chớ ai biết Xa ra Xa zdô là ai…

Mà tôi đâu phải nhỏ em gì cho cam! Năm 2005, VTV bình chọn Inrasara “Nhân vật Văn hóa” của năm, Wikipedia đưa tôi vào mục 1 trong 9 Nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Ninh Thuận, còn ở Thị trấn Phước Dân ghi tôi… “danh nhân” đích thị!

Thế đấy, đừng tưởng bở!

Ngoài trần gian muôn màu là vậy, nọ dám kêu. Vì ngay trong HTX chữ nghĩa Việt Nam với nhau, cái tên ấy cũng hay bị sai chánh tạ. Hai năm trước, facebook Trang Lục bát Thủ đô thông báo ở thư mời rất trang trọng rằng nhà thơ Phạm Trụ (bút danh Inrasara) ra Hà Nội và sẽ có cuộc gặp mặt.

Sang năm thứ 22 của thế kỉ XXI mà còn thế, chớ một phần tư thế kỉ trước, bạn thơ Dương Thuấn ghi: Phí Trụm. Rồi nhiều bạn văn thương mến của tôi viết Insara hay Ít-xa-ra. Bảng Huy hiệu Văn học Nghệ thuật viết tên tôi thành INARA, còn nhà thơ Nông Quốc Chấn dứt khoát tôi phải là Nguyễn Phú Trạm.

Đấy, chớ có dại dột mà ảo tưởng về sự vĩ đại với bất tử.

Nghe nhân vật Cao Xuân Hoang trong Hàng mã kí ức-2011 nè:

“Tuyệt tác văn chương là linh khí trời đất kết tủa. Chàm nghĩ thế, thế nên toàn bộ nền văn chương dân tộc này khuyết danh. Cả các sáng tác cận đại. Một cái tên ngẫu nhĩ thì không là gì cả trong vô cùng không gian và vô tận thời gian. Albert Einstein hay Jean Einstein hoặc Albert Umstin, chết chóc ai đâu kia chứ!”

Bởi bao nguyên do đó, tôi hay ghi: Nhà văn Inrasara. Còn ngày thường, tôi bảo thôi thì cứ kêu đại Sara cho tiện, còn tránh bị sai lổi chánh tạ nữa.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *