Tôi dạy con-16. TƯ DUY PHÁT TRIỂN

[từ Hạt đậu Do Thái đến Thổ cẩm Cham qua Thơ ca]

Có một cân đậu xanh, người Việt đem ra chợ bán, không ai mua thế là chị xách về nấu chè đậu xanh cho cả nhà. Dân Do Thái ngược lại, họ mang nó làm giá, bán không được thì đem trồng tỉa, để hai tháng sau thu về 15kg.

Tư duy cố định và Tư duy phát triển khác nhau ở đó.

Con thử nhìn qua Cham, hàng thổ cẩm chẳng hạn.

Bà con Chakleng làm hàng gùi lên Cao Nguyên bán cho đồng bào trên ấy, được chăng hay chớ. Thế hệ này sang thế hệ khác, lặp lại. Nhà mình thì khác, tôi đặt câu hỏi:

Tại sao không chuyển vào Sài Gòn, Đà Lạt, Hà Nội bán cho giới nhà giàu? Nghĩ là làm, tôi đặt tiếp câu hỏi thứ hai, sao không bán cho người nước ngoài mà cứ quẩn quanh trong nước? – Tôi triển khai và thành công ngoài mong đợi. Rồi câu hỏi thứ ba tiếp liền ngay sau thành công đó: Sao cứ phải hàng thô mà không thể chế biến thành mẫu mã hợp với thị thiếu khách hàng?…

Từ Tư duy phát triển, Cty Inrahani phất lên trông thấy.

Nhiều bạn thơ tôi làm thơ, để thành nhà thơ.

Tôi làm thơ, muốn thơ mình đọc được thì phải học. Tôi học J-Prévert, René Char, S-J. Perse rồi W. Whitman, E. Pound, T-S. Eliot… Sau thời gian dài tôi tự hỏi, sao không thử dịch nhỉ, để rồi chỉ qua năm tôi đã có hàng trăm bài thơ dịch cất Sổ tay Thơ.

Tôi đọc từ Bùi Giáng, Tô Thùy Yên, Nguyên Sa cho đến Nguyễn Quốc Chánh, Trần Hữu Dũng, Lê Vĩnh Tài, Lý Đợi… Đọc và làm hồ sơ để học. Tôi nghĩ, viết về họ không hay hơn sao, biết đâu qua đó mình phát hiện được ẩn ngữ sau trang thơ người cùng thời? Thế là mấy tập tiểu luận phê bình ra đời qua câu hỏi vu vơ ấy.

Câu hỏi tiếp theo: Tại sao mình không thể đi nói chuyện về thơ?

Văn học Cham cũng hệt.

Hồ sơ văn học Cham ở tôi bát ngát, thể hiện qua chục Sổ ghi từ thời Trung học. Vào Sài Gòn làm việc, tôi đặt bút viết, để ba năm sau cho ra đời bộ ba Văn học Cham khái luận- văn tuyển ngàn trang. Từ công trình đó, tôi triển khai thành các bài báo, “khai thác” mãi 30 năm sau vẫn chưa cạn kho.

Có ngưng đâu, tôi tìm ở đó các dấu vết tinh thần văn hóa Cham và tâm hồn con người Cham, bổ sung vào hồ sơ cho cuốn Minh triết Cham.

Rồi các buổi thuyết trình về văn học dân tộc cũng từ đó mà ra.

Và gì nữa?…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *