NHÀ VĂN & CHUYỆN KỂ

[Les Kosem, Pô-Klong, Chakleng, và…]

Nhà văn là kẻ lưu giữ kí ức dân tộc, tôi nói thế. Lưu giữ và kể. Kể câu chuyện nào đó, dù lớn dù nhỏ, một khi tôi đã thoát ra khỏi nó – trước đó.

Sự sự diễn ra, tôi lập hồ sơ, lưu vào vùng thẳm sâu vô thức, và QUÊN – chớ không để cho chúng dằn vặt. Mãi khi có chuyện, nó bật ra, và tôi kể. Tự nhiên như nhiên.

Lưu giữ, không chỉ kí ức dân tộc mà, mọi mọi. Thời gian trôi đi, các sinh linh rời đi và lãng quên, mỗi nhà văn ở lại với câu chuyện. Tôi làm kẻ kể chuyện ngay từ tuổi 15 qua các palei Cham và, tận hôm nay.

Chuyện lớn

[1] Les Kosem là một huyền thoại, với sinh linh Cham ở xa nghe tiếng, kẻ làm việc với ông, và cả người nhà ông. Ông đi, bao nhiêu câu chuyện quanh nhân vật này dần trôi tuột đi trong kí ức họ, riêng nhà văn nhớ, tìm đến, lập hồ sơ và kể.

Tôi là kẻ ấy, bỏ ra 4+2 tháng viết tiểu thuyết: Đi tìm Hồ sơ một Huyền thoại-2017.

[2] Trường Trung học Pô-Klong là biểu tượng lớn của Cham, biểu tượng thất truyền. Thế hệ từ lò Pô-Klong đa phần còn sống, bao kỉ niệm tuổi học trò anh chị em nhớ. Tuy nhiên, dù được gợi ý nhiều lần, không ai đứng ra làm phim để lưu giữ kí ức thiêng liêng ấy cả.

Tất cả sẽ lụi tàn, nhà văn ở lại, nung nấu trong tâm hồn mình.

[3] Chakleng, làng cổ nhất Cham với nhiều di tích lịch sử. Thời hiện đại, Chakleng đạt nhiều thành tích sáng giá. Làng bao lần chuyển di và thay hình đổi dạng, thế hệ cha chú cô dì, thế hệ tôi trải qua vô số nỗi buồn vui, khổ sướng.

Và rồi chúng sẽ cùng chung phần số, nếu thiếu nhà văn làm kẻ lưu hồ sơ, để lắp ghép nên hình hài. Đọc Chakleng, Từ mảnh ghép kí ức, nhiều chú ngạc nhiên, làm sao Trạm có thể nhớ được bao chuyện!

Chuyện nhỏ

[1] Ở Pô-Klong, lớp đầu xanh tuổi trẻ chúng tôi có lỗi với cô Nguyễn Vân Như Ý, các bạn quên, tôi thì nhớ. Nhớ và kể lại làm bài học về “kém ngoại ngữ”!

[2] Cũng chốn ấy hồi Đệ Lục, tôi và yut Chế Đạt cãi nhau về “tiếc nuối” hay “tiết nuối”. Khi ấy tôi cãi rất hăng, vội chạy về phòng tìm Từ điển bỏ túi, mới biết mình sai. Từ đó dù đã nhà văn, mỗi bận hơi nghi ngờ là tôi tra… Từ điển!

[3] Một nàng Cham không hiểu sao sanh tâm ghét Sara, sau mới biết “bởi ảnh không tiếp em”. Khi tôi đưa ra tang chứng, hai lần nàng về nhà tôi ở Sài Gòn là hai lần có ảnh lưu hồ sơ. Biết mình sai, ghét lỡ rồi ghét luôn!

Thế mới ra… con người.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *