Lang thang-09-cuối. GIẢI THƯỞNG THƠ NĂM NAY, NẾU CÓ QUYỀN…

… tôi chọn 2 tập rất khác nhau, một từ trời Tây, một từ miền cao Việt Nam. Một rất “hiện đại” và 1 vô cùng “cổ điển”, cả hai đều mới, lạ, và chuyển thông điệp riêng. Tiếc, tôi chỉ có quyền… ở đây.  

Xin mời quý bà con và các bạn.

1. Chuyển động thơ Việt đương đại

Từ đầu năm 2023, lối “Thơ 1-2-3” do Phan Hoàng chủ xướng được các bạn thơ làm theo và bàn rải rác đây đó. Mạng Vanchuongphuongnam giới thiệu: “Nhằm tìm một hình thức thơ mới để thể hiện, nhà thơ Phan Hoàng đã thử nghiệm cách viết Thơ 1-2-3. Mỗi bài thơ gồm 3 đoạn, 6 câu”. Đây là loài thơ thuần “kĩ thuật” chứ không đặt trên nền tảng tư tưởng nào bất kì.

Tân hình thức hơi khác.

Chủ nghĩa hiện đại chống lại truyền thống, chống lại chủ nghĩa quy phạm, để rồi qua phong trào này các nhà thơ lớn xuất hiện và cho ra vô số tác phẩm mở đường, phá cách mang đầy dấu ấn nổi loạn, mất niềm tin, và ngạo mạn. Phong trào qua đi, rất nhiều tác phẩm lớn ở lại. Dẫu sao nơi đó thơ cứ tối nghĩa và khó hiểu!

Phản ứng lại thái độ “phá hoại” kia, các nhà thơ tân hình thức quyết định quay về truyền thống, và lập thuyết. Tuy nhiên, việc sử dụng lại các hình thức cũ chỉ thuần yếu tố kĩ thuật, chứ không bắt nguồn từ cảm thức mang tính triết học. Do đó, nó lơ lửng và, mất cội rễ. Bốn trụ cột của thơ tân hình thức, là: tính truyện, ngôn ngữ đời thường, vắt dòng và lặp lại không xa lạ với truyền thống thơ Việt.

Thời Đổi Mới, khu vực miền Bắc, Nguyễn Quang Thiều là người cách tân thơ thành công hơn cả. Do ở sức mạnh nội tại của tư duy thơ anh, qua đó lối thơ Thiều tạo ảnh hưởng đáng kể.

Bắc cầu giữa Bắc và Nam, Nguyễn Duy với Nhìn từ xa… Tổ quốc (1989) được xem như một gạch nối. Ở Sài Gòn, Nguyễn Quốc Chánh và Trần Tiến Dũng không ý hướng cách tân, mà với lối thơ phản kháng qua quan sát thời cuộc sắc bén được thể hiện bằng thứ ngôn từ mạnh mẽ, vừa bụi bặm đời thường vừa siêu thực sang trọng.

Cuối cùng là hậu hiện đại. Khởi đầu với Nhóm Mở Miệng, quyết liệt và toàn diện nhất. Đứng hẳn ngoài lề ngay từ đầu, viết hậu hiện đại. Qua thái độ thơ, Mở Miệng đã rạch ngang dòng chảy thơ Việt đương đại. Sau đó Lê Vĩnh Tài với những đột phá mới, là khuôn mặt sáng giá đại diện sau hậu hiện đại Việt. Ở đó, Bài trường ca Tây Tạng được xem là thành tựu lớn.

Mười năm đi qua…

2. Nguyễn Đức Tùng, Câu chuyện nhỏ và cái kết bất khả đoán

[đã giới thiệu “Thơ của bạn thơ-1”, nay tóm].

Đọc Nguyễn Đức Tùng có cái thú vị. Không phải ở tứ thơ, dù Thơ buổi sáng có nhiều tứ thơ độc đáo; không phải thi ảnh siêu thực, ở đó bất kì trang nào ta cũng lặt ra được bao mới mẻ, với những “Em vẫn vàng lúa mới/ Gặt mãi chưa xong tình đầu/ Cánh diều gieo mềm gốc rạ” nhiều ẩn dụ, mà chính nơi câu chuyện, những câu chuyện nhỏ. Nhỏ, mà ám ảnh lạ.

Thơ buổi sáng dùng đến thứ kĩ thuật dường chưa nhà thơ Việt nào biết tới, có lẽ. Thú vị là vậy. Riêng khía cạnh đó thôi cũng đủ thấy cái cao tay của Nguyễn Đức Tùng.

3. Thèn Hương, thi sĩ hát rong thời hiện đại

Lâu lắm rồi, hơn hai nhiệm kì từ khi sắm vai đọc tác phẩm xét giải thưởng thường niên của Hội Văn học Nghệ thuật các DTTS Việt Nam, tôi chờ đợi. Chờ đợi một tiếng thơ dân tộc và miền núi bất ngờ xuất hiện tạo cho tôi sự hứng thú như là hứng thú.

Thi thoảng có, chứ không phải không.

Tuy nhiên đó chỉ là vài giọng điệu rời rạc, đọc từng bài thì hay, chớ đi hết tập thì thơ mất luôn âm vang. Các nhà thơ mới gom vài chục bài thơ lại thành tập, gọi đó là tập thơ, nó vẫn tạo cho người đọc cảm giác tản mác và chắp vá.

Hoặc có, nhưng rồi do nóng lòng xuất hiện, tiếng thơ đó đã sớm tắt. Như “đám cây non vươn vội lên khoảng xanh/ mà rễ chưa được cắm sâu vào lòng đất” (thơ Inrasara) đã héo tàn nhanh chóng, chỉ qua cái nắng nhiệt đới đầu mùa.

Chờ đợi miết… để rồi hôm nay tôi bắt gặp một tiếng thơ hoàn toàn mới: Thèn Hương, với cách làm mới, tập trung vào một vùng đất lạ và mới: miền đất người dân tộc thiểu số Tuyên Quang và Hà Giang. Có Tày, Nùng, Dao, Mông, Cao Lan qua đó hiện ra những sinh phận bé nhỏ, vô danh với giấc mơ bình dị hiện thể qua một tiếng thơ chín đầy, bằng giọng điệu xuyên suốt.

Lối làm cổ xưa qua cách thể hiện không thiếu hiện đại, Thèn Hương như kẻ hát rong kể câu chuyện quê nhà. Thi sĩ có nhiều câu chuyện để kể, là điều hiếm.

Giấc mơ bình thường và bé nhỏ của những sinh phận vùng cao, “cũ như giấc mộng và mới như cái hiện tiền” được kể bằng ngôn ngữ tinh ròng và đẹp.

Câu chuyện làm sống lại bao giấc mơ, thành và bại, hụt hẫng hay thất thố nhưng chưa một lần bị rời bỏ…

Kết.

Thơ buổi sáng của Nguyễn Đức Tùng và Giấc mơ của một loài cỏ của Thèn Hương không chỉ có thế, mà còn nhiều điều khác nữa. Bạn đọc hãy tự mình chậm rãi bước vào chân trời mới, lạ ấy, chắc chắn sẽ phát hiện được điều thú vị khác cho riêng mình.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *