Phát biểu tại Hội thảo 100 năm Nhà thơ Nông Quốc Chấn
Bắc Kạn, 18-11-2023
Kính thưa…
Sống nghĩa là tạ ơn – ơn ngãi đầy tràn
nằm ngoài chân trời đếm đo được mất
tạ ơn làm cho ta lớn lên [Inrasara, Lễ Tẩy trần tháng Tư-2002]
Hôm nay chúng ta làm “lễ tạ ơn” nhà thơ Nông Quốc Chấn, cứ tạm dùng từ này. Ở Nông Quốc Chấn, ơn với cá nhân tôi và Cham, công với nền thơ ca dân tộc thiểu số.
1. Với tôi, không có nhà thơ Nông Quốc Chấn sẽ không có Inrasara, có chăng thì chậm hơn nhiều, chắc chắn thế. Tại sao?
Làm thơ từ khá sớm, mãi 40 tuổi tôi mới cho ra tập đầu tay. Qua Phú Văn Hẳn giới thiệu, cụ tìm đến tôi. Cụ viết giới thiệu, mang bản thảo ra Hà Nội đưa cho 3 nhà thơ danh giá đọc, vậy mà tập thơ không in được.
Mãi khi cụ kí giấy mời tôi ra Đải Lải dự trại sáng tác, sau gạn đục khơi trong, Tháp nắng -1996 mới ra đời và đoạt luôn Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam.
2. Với Cham, không có Nông Quốc Chấn, người Cham khó mà ra được tuyển tập Tagalau, nếu có nó sẽ khác đi rất nhiều. Lưu ý, đây là “đặc san” duy nhất của người DTTS Việt Nam, do tôi sáng lập và điều hành.
Cụ cho phép tuyển tập được ghi tên Hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam ngoài bìa, riêng cụ đứng ra “chịu trách nhiệm bản thảo” nơi trang trong. Cho “tuyển tập” số đầu tiên ra mắt kịp mùa Katê-2000.
Để khi Tagalau-2 gặp sự cố, cụ đã nhận lãnh với tinh thần trách nhiệm hiếm có, không một lời trách tôi. Bà con và anh chị em Cham biết cái tâm ấy, và thực sự cảm kích.
Chưa có dịp ra thủ đô để giải minh thì tin cụ mất, tôi vội viết “Lời cảm ơn muộn màng”.
3. Nông Quốc Chấn công lớn với nền thơ DTTS hiện đại. Cụ thuộc thế hệ nhà thơ mở đường.
Hiện nay đọc lại thơ Nông Quốc Chấn, không ít người cho đó là tiếng thơ đơn sơ, mộc mạc. Tôi nói: không. Nhìn toàn cảnh không phải thế, mà rất khác. Bởi làm thơ không phải ngôn ngữ mẹ đẻ là điều cực khó. Cùng thế hệ với cụ, học giả Thiên Sanh Cảnh được cho là uyên bác nhất thời ấy sử dụng tiếng Việt còn khá thô sơ:
“Cây tre mà lại trổ ngà
Mình quy, vô thủ, tre già mọc lên”
So với nhà thơ Nông Quốc Chấn, có độ vênh lớn. Thế nên chỉ đến thế hệ sau đó, dân tộc Tày đã xuất hiện nhà thơ Y Phương đầy tài năng. Trong khi Cham phải mất ba thế hệ mới có được Inrasara.
Xin nhắc lại, người DTTS làm thơ tiếng Việt tàm tạm thôi đã là điều cực khó. Đòi hỏi vừa dân tộc vừa hiện đại, thêm tiếng Việt điêu luyện và sáng tạo càng khó nữa. Bạn buộc học nhà thơ Việt để viết như Việt – Lương Định là điển hình, sau đó bạn phải vượt bỏ cái “như” ấy để sáng tạo mới mong có tác phẩm sáng giá.
Ở đây tôi xin lạc đề xíu.
Thuở sinh thời, tôi có bàn với cụ Chấn, phần Giải thưởng thường niên của Hội chỉ nên dành riêng cho nhà thơ DTTS. Còn các bạn thơ người Việt là Hội viên nếu có tác phẩm về đề tài DTTS và miền núi thực sự xuất sắc, ta có Tặng thưởng đặc biệt. Còn lại, các bạn cứ mang “đứa con tinh thần” qua sân chơi lớn hơn ở Hội Nhà văn Việt Nam.
Như cá nhân tôi, một nông dân Cham vô danh tiểu tốt, chưa có thơ đăng báo, vậy mà ngay khi cho ra đời tập thơ đầu tay, tôi tự tin qua bên đó và đoạt giải thưởng của Hội chuyện nghiệp! Chứ các bạn Hạng nhất mà đi tranh giải với đội Bán chuyên thì rất khó coi, nếu không muốn nói là thiệt thòi cho người anh em.
Cụ Chấn nghe, và hứa sẽ bàn kĩ. Tiếc thay sự thể chưa tới đâu thì cụ mất, và vấn đề đành bỏ lửng.
Trở lại với câu chuyện hôm nay: Tình, tâm và tài, nhà thơ Nông Quốc Chấn hội đủ. Về 3 điểm nhấn này, tôi còn có nhiều điều để chia sẻ, xin hẹn dịp khác.
… nằm ngoài chân trời đếm đo được mất
tạ ơn làm cho ta lớn lên
và
dẫu không là gì cả tôi vẫn cần thiết có mặt
vậy nhé – tôi xin tạ ơn TÔI.
Xin cảm ơn tất cả mọi người.