Lang thang-02. DỌN ĐƯỜNG CHO ĐỐI THOẠI

Năm ngoái “bắc tiến”, tôi diễn đàn là chính, năm nay tôi chọn tương thoại riêng lẻ với bạn văn, như cách “đánh thức mạch nước ngầm, dòng sông ẩn đang trầm chảy dưới dải đất hình chữ S xinh đẹp này”.

Nhà văn do cố chấp, mặc cảm và sợ hãi với đủ thứ sợ, ở đó sợ mất đất đứng là một khiến ta càng cố thủ, khó rời bỏ thứ lô-cốt ta chiếm hữu được. Thì làm sao có thể nói đến hòa giải và hòa hợp.

Đó là chưa kể việc chúng ta còn chưa chuẩn bị gì cả!

[1] Thế đứng

Nhà thơ Nguyễn Đức Tùng trong một bài phê bình về tôi, viết: “chọn thế đứng ở vùng gần ngoại biên là một lựa chọn đầy ý thức.” – Chuẩn. Riêng tôi tuyên ngôn qua “đề từ” ở tập thơ in chính thống cuối cùng: Chuyện 40 năm mới kể & 18 bài Tân hình thức-2006.

Không bên lề

không trung tâm

tôi trú trên đường biên

Không ngoài luồng

không chánh lưu

sống như thể không đường biên

Cũng chẳng có gì trầm trọng cả!

mỗi các ông cứ dựng chòi

mỗi các ông cứ có mặt như một biên giới.

[2] Chuẩn bị. Tôi đã làm gì? – Song thoại.

Qua tiểu luận, in sách và các buổi nói chuyện…

Với cái mới và cái cũ bị bỏ quên ở vùng ngoại vi qua khu vực: Văn học Cham, Văn học Dân tộc thiểu số, nhà văn nữ, cây bút vùng xa và người viết chưa vào Hội Nhà văn, tác phẩm in ngoài luồng, nhà văn Việt hải ngoại, Văn chương mạng và nhất là Văn học miền Nam trước 1975.

Tôi cũng song thoại với cả Tân hình thức, Hậu hiện đại là hai hệ mĩ học hãy còn xa lạ với đa số văn giới Việt Nam.

Với người cũ, tôi dọn đường cho “hóa giải và hòa giải”, với nhà văn Dân tộc thiểu số, tôi xiển dương thái độ “nhập cuộc về hướng mở”.

[3] Khi đã hiểu, chúng ta mới hi vọng đả thông, từ đó “hòa giải và hòa hợp” trong văn học qua đối thoại thành thật và cởi mở.

P.S.

– Các dòng văn học ngoại vi làm tròn đầy và giàu sang nền văn học Việt Nam đa dân tộc và đa vùng miền, chỉ là một khía cạnh.

Nguyễn Đức Tùng, Vanviet.org, 23-12-2019:

“Giữa các nhà thơ đương thời, Inrasara nổi bật như một nhà phê bình chú tâm đến nhiều mặt của đời sống văn chương hôm nay, một người chịu khó lên tiếng trong những vấn đề thời sự văn học trong nước. Trong những tiểu luận của mình, anh thách thức một số quan điểm chính thống về văn học và văn hóa, phê phán thái độ phân biệt của một số nhà nghiên cứu phê bình, lên tiếng bảo vệ nhiều giá trị văn chương của miền Nam trước đây hay của Sài Gòn bây giờ như một khu vực văn học. Đó là một thái độ trung thực hiếm hoi, cất lên ở vùng công khai, cần ghi nhận.

[…] Sở hữu một ngôn ngữ đối thoại mạnh mẽ, những quan tâm xã hội sâu rộng, lối nói hài hước nhẹ nhàng, Inrasara là sự nổi loạn hậu hiện đại hiếm hoi mà công chúng dường như chấp nhận.”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *