Minh-triết-Cham-35. SỐNG & KHÔNG ĐỂ LẠI DẤU VẾT

[Phụ luc-1. Sáng tạo Giấc mơ]

Đại khủng hoảng xảy tới, Glang Anak, như mọi mọi Cham khác, ông chạy đi, dừng lại, suy tư rồi cuối cùng, quay trở lại bờ – với sinh phận khốn cùng của những người ở lại, bị kẹt lại. Để làm gì, có mỗi ông biết. Không ai biết ông sống thế nào, đi về đâu, và đâu là ngôi nhà cùng con cháu. Không gì cả, vô danh! Ông đi, 116 câu thơ ở lại, như một di ngôn, một thông điệp.

Có ai đón nhận được thông điệp kia không, chẳng biết.

Haniim ayuh jang ôh hai, nưm angan jang ô hu’:

Phúc hạnh cũng không còn, tuổi tên cùng tiêu mất!

Ông Glang Anak đã sống, và không để lại dấu vết. Một vương quốc hùng mạnh sụp đổ, một nền văn minh rực rỡ tan hoang, thì có hề chi một tác phẩm lớn của một tên tuổi lẫy lừng.

Tôi ngày càng thức nhận sâu thẳm sự nổi tiếng cùng bao danh hiệu, giải thưởng, lời ngợi ca như bong bóng mưa, mỏng manh, và vô nghĩa.

Hiểu tất cả là vô nghĩa, hắn vẫn sống trọn vẹn với nỗi vô nghĩa kia. Danh hiệu, giải thưởng, lời ngợi ca, và vui vẻ hành động trong chân trời khả thể.

Làm gì, và làm thế nào?

Ở đây và lúc này…

Hắn vẫn sáng tác, tiếng Cham lẫn tiếng Việt, mà không mơ mộng lưu danh văn học sử Việt Nam; vẫn nghiên cứu văn học Cham làm quà tặng cho nền văn học đất nước, dù không chút ảo tưởng nó sẽ tồn tại với thời gian.

Hắn vẫn miệt mài mở cánh cổng cho các dòng văn học [bị cho là] ngoại vi “hợp lưu” dòng văn học chính thống như một cách dọn đường cho – qua song thoại và đối thoại – tinh thần hòa giải và hòa hợp từ văn học được khai thông, dẫn sang các lĩnh vực khác. Tuy thế, hắn không ảo tưởng ý hướng kia sớm được tiếp nhận.

Hành trình xuyên tâm hồn con người Cham và tinh thần văn hóa Cham để lần tìm ra Minh triết Cham. Tôi viết sách, thuyết trình để lan tỏa nó, không mang kì vọng lớn lao, mà chỉ “gửi gió cho mây ngàn bay”, ai thấy hay thì vui vẻ đón nhận…

Hết mình và tới cùng, nhưng không nghiêm trọng hóa.

Trích “Inrasara- Suy tưởng-9”:

Tôi là kẻ đốt lửa, nuôi lửa và truyền lửa.

Về tôi, điều đáng kể không phải là tác phẩm hay thành quả tôi để lại, mà là ý hướng tôi khai mở: Tinh thần phi tâm hóa hậu hiện đại, tư tưởng hóa giải và hòa giải của Pô Rômê, thái độ nhập cuộc về hướng mở của tôi… Còn lại, chỉ là cánh tay chỉ mặt trăng theo nhiều thể cách.

Tôi đốt lửa và đi, chỉ mặt trăng rồi bỏ đi.

Như dòng sông cho và đi

cho và đi mất về biển xa

(“Tặng phẩm của dòng sông”-1982) 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *