[hay. Thương sinh viên và độc giả Việt Nam]
Không đùa đâu, mà thực.
“Chiến tranh” của Nguyễn Đức Tùng là 1 bài thơ, chi tiết về giấy báo tử thoáng qua thôi mà bạn đọc ta tra vấn, đối chiếu với hiện thực xã hội để kết rằng nó sai sự thật, phi logic, vân vân.
Tôi gọi đó là “đọc thơ như đọc báo”. Trong khi ở chiều ngược lại, một bộ phận không nhỏ [nghĩa là cũng hơi lớn] độc giả “đọc báo như đọc thơ”.
[1] 15 năm trước, một Giáo sư thâm niên ở Đại học Sư phạm TPHCM có tiểu luận đăng Văn nghệ, 22-4-2006: “Chủ nghĩa “hậu hiện đại”, chủ nghĩa “Tân hình thức” ngày nay tàn lụi dần ở Tây phương. Theo một bài báo của một GS Mỹ thì hằng năm mới có một người mua sách này ở các hiệu sách”.
Ở một buổi nói chuyện, viết nó lên bảng, tôi hỏi sinh viên: đoạn văn có trục trặc gì không? Lác đác vài cánh tay giơ lên với ý kiến ngoài lề. Tôi nói:
– Chẳng phải ở chi tiết, mà là cái sai mang tính thao tác, và sai TO:
“Bài báo” là bài báo nào, không biết. “Một GS Mỹ” tên gì, càng không. Đâu là thống kê cho biết “hằng năm mới có một người mua sách này ở các hiệu sách”. Khơi khơi vậy thôi, mà báo Văn nghệ của Hội Nhà văn đăng!
Chẳng phải tội độc giả và sinh viên sao?
[2] Một giáo sư siêu đỏ là vậy, ở phía bên kia, một nhà thơ nổi tiếng chống “bất công” cũng chả khác là bao.
Năm 2021, nhà này tố tôi “do nịnh bợ Nguyễn Quang Thiều mà được Thiều cho ngồi vào ghế Chủ tịch Hội đồng Thơ”. Tố, và tự tin dẫn chứng 2 bài có thật, một ở Tienve [Úc] và một trên RFA [Hoa Kỳ].
Ở [1], một giáo sư Mỹ viết (?), một giáo sư Việt Nam tin ngay, báo ta in ngay. Còn tại đây, một nhà thơ nổi tiếng viết, độc giả ta cũng tin ngay. Tin, cả mấy ngàn người vào love, like và chửi Sara!
Kết. Cả 2 là thông tin, một in giấy, 1 đăng mạng – nghĩa là 1 BÀI BÁO, vậy mà độc giả ta chả cần truy cứu chi cho mệt, CHỈ CẦN CẢM thôi cũng đủ. Đọc báo mà như đọc thơ, là vậy.
Nhắc 2 vụ trên, vài bạn kêu: Sara chấp làm gì mấy thứ nhảm nhí. Tôi nói:
– Đây không phải chuyện cá nhân tôi hay ai khác, cũng không bởi lỗi cá nhân nào đó, mà do chương trình Đại học ta chuyên dạy thứ triết học THEO-ISM, cứ nghe theo và tin ngay, không cần đặt câu hỏi dù đơn giản nhất, để có thể dấn lên một nấc: học phản biện.
Để chống trào lưu văn học hay cá nhân, ai đó có thể tùy tiện phát âm, vấn đề đặt ra ở đây là NGƯỜI TIẾP NHẬN. Thảm trạng chưa biết bao giờ kết thúc, thế nên cần nói lên, biết đâu vài sinh linh có cơ duyên, hiểu ra và thoát được nỗi vô minh ấy.