“Tôi nên tự sát hay nên uống một cốc cà-phê?”
Ariya Glang Anak: Adat kayau phun hapak jruh tanan…
Đạo của cây là thân ở đâu rụng về nơi ấy.
Rụng nơi khác, nếu do tác động từ bên ngoài, mưa gió giạt, thổi bay đi thì không nói; còn do ý ta, là ta tự hại chính mình. Ta từ chối làm phù sa cho đất, dưỡng nuôi cây con cháu ở ngày sau.
Con không thể chọn làm đứa con tổng thống Pháp hay cháu đích tôn quốc vương Brunei
con không thể chọn ra đời ở Thái Lan hay Mỹ quốc
con là Cham ngay ban đầu vỡ ra tiếng khóc
[còn hơn thế: chín tháng mười ngày trước khi vỡ tiếng khóc]
khi con cắm rễ nơi đây
hay khi con lang bạt tận cùng trời
con cứ là Cham cả lúc cháy lên cùng ngọn lửa cuối đời.
(Tháp nắng-1996)
Sinh ra là Cham – phi lí! Mặc cảm rồi than vãn, vừa phi lí vô ích vừa yếu nhược. Bạn bị ném ra đó, đù bạn có muốn hay không, bởi bạn không được quyền chọn lựa.
Là Pháp – như Albert Camus cũng phi lí không kém, có khi còn phi lí hơn, bởi ông ý thức sâu thẳm, quằn quại hơn. Từ đó ông dựng lên triết học phi lí!
“Tôi nên tự sát hay nên uống một cốc cà-phê?” – Ông hỏi, và ông ra ngoài tìm uống một li cà-phê. Phi lí là khởi đầu chứ không phải kết thúc.
Nói chi là một sinh linh Cham, ngay cái lí tưởng ta dành cả đời đuổi theo cũng phi lí nốt. Bởi ngay cả sống cũng đã phi lí và vô nghĩa rồi. Thức nhận sâu thẳm NÓ, làm gì? Vẫn cứ làm, cứ theo đuổi điều ta đang theo đuổi. Đó chính là ý nghĩa của vô nghĩa.
Làm, và vui.
Để mỗi sáng tôi tự bạn cho mình một cốc cà-phê, đều đặn.