Minh-triết-Cham-08. THAM LAM & ÍCH KỈ, CÓ NÊN KHÔNG?

[chuyện thầy rắn Lư Hào: URANG CHAM 30]

Ariya Glang Anak, câu 48.

Jôi bbôh siam ahar ranưk khing bbang

Jamư-ô tian tatang, dalôk tabiak kan khing dôn’

Thấy tiền dễ xơi, nhào vô “ăn tham” ‘ranưk bbang’, bạn nhận về mình sự đầy hơi ‘jamư-ô’ là chuyện khó tránh. Tham thực cực thân, ông bà Việt nói, cần hiểu cả nghĩa đen lẫn nghĩa trắng.

Của “ta” là vậy, còn của “mình”, khi có cũng cần biết san sẻ.

Lý Khôi cho rằng, muốn biết người, xem lúc giàu họ làm gì, tiêu tiền thế nào. Sắm xe sang, ăn chơi với nuôi bồ nhí? Ôm tiền chạy ra nước ngoài hưởng thụ hay đầu tư trong nước, hoặc làm từ thiện? Từ thiện, bạn làm gì?

Xây chùa chiền, giúp hoạn nạn hay đầu tư giáo dục?

Tôi biết vài Cham sẵn sàng bỏ ra trăm triệu để tu bổ ‘Danok’ cho bà con cúng kiếng, chớ đầu tư nghiên cứu chuẩn hóa Kinh sách để các vị chức sắc hành lễ đúng phép ổn định tôn giáo thì không. Hoặc chi cho chị em kẹt Covid-19 bao nhiêu chả tiếc, chớ dành vài triệu mua Tagalau thì không.

Cứu [& giú] thể thân, trí tuệ hay tâm hồn – tùy tầm nhìn.

Dẫu sao nói đi cần nói lại. Bạn có xứng đáng nhận phần thưởng hay khoản tài trợ đó không? Cụ thể hơn, bạn có ĐÁNG TIN không?

Ông bà Cham nói:

Thunau đơ boh habei, gru thi brei đa ka ô hacih’:

Bùa bé bằng củ khoai, thầy muốn cho, ngại ai chưa sạch.

Khoản tiền ấy Mạnh thường quân sẵn sàng cho, nhưng hỏi bạn làm gì với nó?

Thầy chưa vội truyền dạy kiến thức “củ khoai” đó cho bạn, e bạn chưa chuẩn bị tâm và trí để đón nhận. Trí chưa thông, biết bạn có mang vác nổi tri thức kia hay không, bạn bị tẩu hỏa nhập ma như bỡn. Tâm chưa sạch, biết đâu bạn sử dụng tri thức hay bùa phép kia đi lừa người, hại đời. Có thể lắm chứ!

Ông Lư Hào palei Cwah Patih Thành Tín được thánh Nưbi ban cho bài thuốc trừ rắn độc, ông không truyền cho bất kì ai, cả với đứa con trai duy nhất.

Kể rằng một trưa nọ nằm ngủ ở nhà, cháng được ông già tóc trắng đánh thức và dắt đi, đi miết. Mãi vào tận núi sâu, ông già dừng lại, và chỉ cho chàng cái cây:

– Đây là bài thuốc trị rắn độc, con hãy dùng nó cứu chữa cho người.

Thế thôi, cụ già biến vào núi, bỏ chàng trai ở lại một mình giữa cái nắng Phan Rang cháy da người. Chàng lần từng bước tìm đường về, về tới làng thì trời sập tối.

Thêm, khi ông được các nơi biết đến, Bệnh viện Ninh Thuận mời ông đến, bố trí cho ông phòng làm việc, biên chế với lương bổng đủ đầy. Ông từ chối, tôi nông dân, ‘Nưbi’ cho tôi thế tôi biết thế, không nên làm gì khác hơn.

Tiếng đồn là vậy, sự thật, nhà báo Thái Sơn Ngọc kể:

“Từ lúc lên mười tuổi, ông được cha là thầy rắn Lư Măng nổi tiếng khắp huyện Bắc Bình truyền nghề. Hàng ngày, ông Lư Măng vô rừng tìm bắt tất cả các loài rắn độc đưa về cho cắn Lư Hào. Lúc đầu bị rắn độc cắn đau nhức, ông thực sự khiếp sợ, mồ hôi mồ kê tuôn ướt như xối nước. Nhưng tin vào tài năng chữa rắn cắn của cha nên ông yên lòng chịu đựng. Sau khi để nọc rắn “chạy” trong người đến độ ngấm độc quằn quại, thầy rắn Lư Măng mới cho uống thuốc giải” (“Lương y Chăm – thầy rắn Lư Hào”).

Ví ông giấu kín bí quyết để trục lợi thì miễn bàn, đằng này, ông sẵn sàng bỏ buổi cày lặn lội qua chục cây số để chữa trị vô vị lợi cho người bị nạn. Không phải ông không tin người, nhưng biết làm sao bây giờ? Do tham ‘ranưk’, đã xảy ra bao nhiêu chuyện đau lòng nơi cõi nhân gian này, ai có thể lường được!

Ông Lư Hào vừa mất năm, Thái Sơn Ngọc thông tin thêm:

“Ông đang truyền nghề cho con trai là Lư Hoàn Thiện nối nghiệp cha tiếp tục cứu chữa nạn nhân bị rắn độc cắn bằng bài thuốc độc vị được thu hái trên vùng núi cao. “Biết rằng nghề thầy rắn không thể làm giàu nhưng mình vẫn phải truyền lại cho con cháu gìn giữ vì đây là nghiệp dĩ của cha ông.”

Bài học thứ hai: đức HI SINH

Bài viết ngắn của Thái Sơn Ngọc về thầy rắn Lư Hào, có một câu rất đáng giá. Nhà báo viết: “Ông nói muốn giỏi nghề thì mình phải “ngấm độc” để biết được đường nọc chạy của mỗi loài rắn mới cứu chữa tốt cho bà con.”

Ông Lư Hào tự cho “ngấm độc” rắn, để chính thân ông miễn nhiễm, từ đó ông mới hành nghề cứu mạng người.

Kể rằng, muốn hiểu đường đi của nọc của từng loài rắn, ông còn tự cho mình để rắn độc cắn nữa, qua đó mới mong có hiệu quả. Một đức hi sinh cực lớn.

Bài học thứ ba là biết LAN TỎA.

Dẫu hiểu rằng đây là nghề “không làm giàu”, không thể làm giàu, ông vẫn truyền lại cho con trai, tiếp tục nối nghiệp cha hành nghề, hành đạo.

Đức dày phước lớn dành cứu chữa người. Hơn ngàn cả thảy, nhà báo cho biết.

Kể chuyện thầy rắn, trở lại với văn hóa xã hội Cham.

Với văn hóa Cham, bạn thế nào?

Bạn có vui vẻ hoang phí cả thời thanh xuân lặn sâu vào cộng đồng cho ngấm đòn văn hóa dân tộc mình  không? Bạn có dám hi sinh danh và lợi, để hiểu tâm hồn con người Cham và tinh thần văn hóa Cham không? Và cuối cùng bạn nỗ lực lan tóa tinh thần nền văn hóa ấy ra thế giới với tâm thế vô vị lợi, không?

Tôi không nói bạn không nhận được gì từ “làm văn hóa”, đòi hỏi như thế cao quá, thiếu thực tế nữa. Biết làm giàu từ văn hóa, càng giàu càng tốt, tại sao không. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh, ta không lợi dụng nó để trục lợi riêng cho bản thân.

Như thầy rắn Lư Hào đã dành trọn đời mình cho nghề, và cho nghiệp.

Trả lời được ba câu hỏi này, là bạn đã đắc Đạo Cham.

Tôi là nhà văn kể câu chuyện Cham. Bên cạnh các công trình của các nhà nghiên cứu khoa học, các câu chuyện được kể truyền là cần thiết. Chúng lưu giữ kí ức một dân tộc, ở lại dài lâu trong tâm thức dân tộc. Câu chuyện góp phần lan tỏa tâm hồn con người và và tinh thần văn hóa Cham, theo thể cách của nó.

Bạn có dám đắc Đạo?!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *