[Thế nào là thành công? – trả lời muộn 2 câu hỏi của nhà thơ Kông Đản]
Ở hội thảo VHNT sáng 17-6 vừa qua, nhà thơ Kông Đản phát biểu, đại ý: Tôi và Inrasara cùng vào Hội Ninh Thuận, vừa vô Sài Gòn anh đã nổi lên, xin hỏi trước đó anh đã học như thế nào? Sau đó còn liên tục gặt hái nhiều thành tựu lớn, anh có thể cho biết mình đã tiếp nhận trào lưu văn nghệ thế giới ra sao…
Hội thảo bàn việc chung, thế nên tôi không trả lời trực tiếp anh, và hẹn khi khác sẽ nói riêng. Khi khác có khi hơi lâu, sẵn serie “chuyện văn chuyện đời”, xin tâm sự luôn thể.
Câu hỏi của anh cùng tông với nhận xét của nhà thơ Phan Trung Thành 17 năm trước: “Ở miền Nam nổi lên hiện tượng Inrasara “làm mưa làm gió” suốt chục năm. Và đến hôm nay anh vẫn là cây bút công lực dồi dào trên mọi lãnh vực”, VTV3, 10-2006.
Câu hỏi-1. Để thành công, xin kể chuyện “mình ba đứa”.
Đứa-1. Gia đình giàu, trí thức, học giỏi, Đứa-2: giàu, nông dân, học giỏi, Đứa-3: nghèo, nông dân, học giỏi. Họ yêu văn chương, cùng xuất phát điểm, người thành kẻ không, tại sao?
Phần tôi, học & tập có chủ đích, khiêm cung ẩn mình đợi mùa chín tới. Nó cần: Tâm thế vui, mục tiêu lớn & bắt đầu từ cái nhỏ nhất.
[1] Tâm thế. Sau 1975, trong khi bạn suốt ngày miệng ca cẩm “chán đời quá”, bạn chuyên ngồi bàn cờ tướng và chê thiên hạ…
Tôi ngược lại, lang thang palei Cham sưu tầm văn bản văn học đến cày thuê lấy tiền nhảy xe đò vào Sài Gòn ôm đống sách về – tôi vui.
[2] Thời bao cấp, bạn bỏ hẳn thơ, cắt đứt mộng văn chương tuổi trẻ, bạn thì ôm giấc mơ tiểu thuyết sử thi mà ngay trang đầu tiên cũng chưa đặt bút viết…
Tôi miệt mài làm thơ, mê mải đọc sách, ghi chép và vui.
[3] Đất nước mở cửa, bạn thì thi thoảng làm thơ chơi chơi, bạn ngày qua ngày ngồi bàn nhậu tiếp tục phán thiên hạ…
Tôi đóng cửa viết, và vui.
Đến năm 1995 – thời điểm chín muồi, tôi cho in 3 tác phẩm thuộc 3 thể loại: Thơ, nghiên cứu, dịch thuật đoạt luôn 3 giải thưởng danh giá, và… vui.
Câu hỏi-2. Làm sao giữ phong độ?
Vẫn là học, đọc, đi, viết và tiếp tục… vui. Tôi không ăn mày dĩ vãng, hay ăn mòn vào củ khoai quá khứ, mà phải khác đi.
Để thay đổi thơ, tôi học rất nhiều từ bạn thơ cùng thời, và thơ nước ngoài các thứ. Để làm phê bình, tôi đọc các trào lưu triết học và phê bình văn học đang diễn ra, làm dưỡng chất nuôi sống chữ nghĩa mình. Cạnh đó tôi còn thử sức ở thể loại tiểu thuyết, diễn thuyết, vân vân.
Còn văn học Cham, chương trình vẫn tiếp tục, đương nhiên.
Tôi coi cuộc chữ nghĩa là hành trình phiêu lưu chứ không là điểm đến.
Karun anh bạn thơ quê nhà!