Sống có nghĩa là tạ ơn
Ơn ngãi đầy tràn
Nằm ngoài chân trời đếm đo được mất
Tạ ơn làm cho ta lớn lên
Lễ Tẩy trần tháng Tư-2002
Họ là ân nhân tôi cũng là của Cham, bởi qua đó, Cham được lan tỏa rộng hơn. “Giúp người vài lần, chịu ơn đời vạn lần”, tôi viết thế ở Lễ Tẩy trần tháng Tư-2002. Tôi luôn may mắn, kẹt ở đâu may mắn có mặt ở đó, kịp thời.
Trước tiên không thể không kể dịch giả Đăng Bẩy, là người bạn tôi ở đất Bắc. Như người nhà, đầu tiên và cuối cùng cho đến hôm nay. Anh không có lòng, tạp chí Văn nghệ Dân tộc & Miền núi số đặc biệt về Cham – tiền thân Tagalau khó hình thành để sớm đến tay bà con Cham Pangdurangga. In xong, anh còn vào tận palei Cham phát hành nữa.
Nữa, anh Văn Thành ở tạp chí Tia Sáng, đã làm hai chuyên đề về Cham, nhất là năm 2010 anh cho nửa tháng tổ chức Không gian Văn hóa Cham tại trung tâm thủ đô – là ơn vô cùng lớn, với tôi và với Cham.
Chuyện anh em tôi thì dài, ở đây xin kể về hai ông lớn.
Người tôi chịu ơn nhất là cụ Nông Quốc Chấn, dân tộc Tày, mất đầu tháng 2-2002. Nghe tin tôi buồn cả ngày, bởi chưa kịp nói tiếng ‘đwa apakal’ – to, sâu và đậm. Dù hai năm sau đó tôi có “Lời cảm ơn muộn màng”, rồi mùa Thu 2022, thêm bài nữa về tâm và tầm ông. Vẫn còn là chưa đủ, tại sao?
Năm 1995, chân ướt chân ráo nhập cuộc chữ nghĩa, ông hỗ trợ tôi tối đa khi giới thiệu bản thảo Tháp nắng với các anh ở trên, dù không thành, chuyện đó đủ nói lên cái tâm của ông.
Mùa Hè 1996, dự Trại Sáng tác Đải Lải, chưa ai biết Inrasara là ai mà ông chọn tôi năm bài thơ dài in trong Tuyển tập Thơ Dân tộc Thiểu số Việt Nam-1995 chiếm số trang hơn mọi nhà khác.
Và đây là hành vi cao vời nhất, không có ông công cuộc khó mà suôn sẻ. Năm 2000, tôi sáng lập và điều hành đặc san Tagalau, Nông Quốc Chấn “chịu trách nhiệm bản thảo”, để rồi ở Tagalau-2, bút kí “Mỹ Sơn đường về” của Trà Vigia đã khiến ông một phen lao đao. Vậy mà ông không một lời than trách, tuyệt vời là thế!
Giới chữ nghĩa DTTS, hiếm ai có tâm, tầm như nhà thơ Nông Quốc Chấn. Tôi với ông tình thân, mỗi bận ra bắc là mỗi bận “cậu cứ qua tôi dùng cơm như người nhà”. Mỗi lần ra thủ đô là mỗi tôi không quên lời ông, ghé, cho đến khi ông mất.
Và nhà thơ Hữu Thỉnh.
Chế độ ta, chớ ảo tưởng thơ bạn hay, văn bạn giỏi là xong. Đùa! Cần có “chất trụ” [chữ của nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh] ngoại vi. Tôi hai lần Giải thưởng Hội Nhà văn, rồi Giải thưởng Văn học ĐNÁ, không có Hữu Thỉnh ở đó thì đừng hòng. Tôi cần cảm ơn anh là vậy, bởi qua tôi với ba nỗi ấy, người thiên hạ biết đến Cham nhiều hơn.
– Anh chưa thấy ai yêu dân tộc mình, viết về dân tộc mình tuyệt vời như em… cứ thế… cứ thế…
Và tôi trả ơn anh bằng lời nói thật, nhiều vụ và nhiều lần. Năm 2001, về xét kết nạp hội viên, đến nỗi anh mời riêng tôi cơm trưa ở nhà hàng sang, lai rai hai tiếng mà anh em chơi nguyên ba chai vang đỏ.
– Đây là lần đầu anh nghe lời thật và thẳng như thế từ hội viên… cảm ơn Inrasara vô cùng… chắc chắn anh sẽ rút kinh nghiệm…
Còn đây là “trả ơn” khiến anh buồn nhất, có lẽ – bởi anh làm chính trị mà. Năm 2012, Hội đồng Phê bình, Lí luận Văn học, Nghệ thuật Trung ương mời tôi thuyết ở Lớp Tập huấn “cán bộ” đầu ngành. Ở Ninh Bình và Đồng Nai, khoảng 200 người mỗi lượt.
Dăm vị, mỗi ông khoảng hai tiếng. Các ông xong, cho email: Bạn nào cần biết thêm, gửi thư tôi sẽ làm rõ hơn. Tôi chơi bài cá biệt, vào cuộc, tôi nói:
– Tôi dành nửa thời gian nói, nửa còn lại ta cùng trao đổi.
Ở Ninh Bình thì yên và vui, dù sau đó có người méc Hữu Thỉnh [kiêm Chủ tịch Hội Liên hiệp], để hai lần anh nhắc nhở tôi. Tiếc là cả hai bận, tôi không thời giờ hỏi để biết. Tôi nói gì?
“Việt Nam giàu và đẹp, không chỉ giàu đẹp ở rừng vàng biển bạc, mà còn ở các vùng thổ nhưỡng khác nhau: Bắc bộ khác Tây Nguyên, duyên hải miền Trung khác đồng bằng Nam bộ; thêm ba vùng khí hậu: nhiệt đới đương nhiên rồi, ta còn có ôn đới và bán sa mạc.
Việt Nam hôm nay tiếp nhận hai nền văn hóa văn minh: Đại Việt, Champa và một phần Thủy Chân Lạp. Đất nước cỡ trung bình mà có đến 54 dân tộc anh chị em với các nền văn hóa khác nhau. Cả ba không tuyệt sao? Chính trị xã hội ổn định, lãnh đạo có tầm, Việt Nam trở thành cường quốc [thực] không phải chuyện hái sao trên trời.”
Tôi đã nguyên văn như thế!
Ở Đồng Nai thì hơi căng, đến phút chót, Chủ tịch Hồng Vinh sợ tôi lạc đề, vội sải bước đi lên: Inrasara là người nói được những gì anh ấy muốn nói, mà không bao giờ đi quá… ta tạm kết thúc ở đây.
Sau cuộc, vài “học trò” ái ngại cho tôi, khi ông thầy “bị dí”. Tôi nói:
– Tôi thích thế mà, chứ giảng bài thì dễ ợt. Tôi không phải dạy ai cả, mà là đặt vấn đề mới, để cùng trao đổi.
Sau đó tôi không còn nhận được giấy mời từ Hội đồng này nữa. Ai bảo!?
Hơn hai mươi năm cuộc tình, hai anh em tôi không có gì riêng cho nhau cả, ngoài năm 2011 báo Thể thao & Văn hóa nhờ tôi xâu Thơ Tứ Tuyệt Ba Miền, tôi có chọn thơ Hữu Thỉnh [bao giờ cũng tinh]. Ra Hà Nội tôi qua văn phòng anh đưa nhuận bút, anh bảo “Sara giữ làm quà cho cháu đi”. Năm 2018, mùa Thu tôi ra thủ đô mang theo tấm thổ cẩm, ghé anh: “quà Hani biếu chị nhà”.
Vậy thôi, tôi chưa lần [hay được mời] ghé nhà anh, như Đăng Bẩy, như Nông Quốc Chấn.
Ba lần tôi được mời tham dự The World Poetry Festival, ba bận tôi từ chối. Trong đó năm 2012, Hữu Thỉnh phân công tôi trưởng đoàn dẫn các nhà thơ cùng đi, Hội Nhà văn Việt Nam chu cấp đủ đầy, tôi nhận nhưng rồi xin kiếu. Năm sau, thư ông G. Sharma, Tuesday, December 4, 2012, World Poetry Festival 2013:
“Our very dear Inrasara,
Would like to invite you to the World Poetry Festival 2013 to be held between 18th and 20th January 2013. If it is possible for you to participat, please do inform us at the earliest. We hope that it will be possible for you to come. As soon as we get your consent, we will send you the official invitation. Convey our love to Jaka. With love, SG.”
Không ít kẻ văn chương ngạc nhiên, sao lại thế? Có hai lí do chính đáng. Thứ nhất, tôi không muốn nhận tiền của Hội Nhà văn để đi nước ngoài, dù chẳng có gì sai, nhưng tôi tránh mang tiếng xài tiền dân. Thứ hai quan trọng hơn, tôi chưa xong tập thơ tiếng Anh. Tập song ngữ in lúc sang Bangkok năm 2005 cần khác đi. Nữa, cuốn Minh triết Cham còn chưa có bản tiếng Anh.
Bởi ba chưa nên thế, chứ không có gì trầm trọng cả.