Bạn thơ trẻ Kiều Dung trù: “Triều đại Inra sụp đổ rồi”, thấy hay quá, tôi đã dùng đặt tên cho một tút. Cũng vậy, vài Việt lẫn Cham cho “Inrasara là người được chọn”. Hôm nay vui, cứ “nghiên cứu mình” – chữ của phó GSTS Phạm Quang Trung, xem nó trúng trật ra sao, thử:
01. Tôi mang tinh thần độc lập từ bé, và tự do sống theo cách riêng của mình, đến tận hôm nay. Tôi làm những điều kì quặc hiếm Cham nào làm, khoái hoạt. Biệt danh “Thằng Trạm mát” dân làng với bạn bè tặng, đích thị luôn!
02. Tuổi tìm học, tôi mê triết, lại toàn thứ dữ. Từ Kant đến Heidegger, từ Lão Tử cho đến Krishnamurti. Văn chương cũng hệt: Dostoievski, Rimbaud, Phạm Công Thiện, với vô số sách các loại.
03. Tuổi 20, lạc vào rừng già Kinh Phật, tôi cạo đầu đi tu, cũng là món ở cộng đồng Cham thời tôi không có. Vừa ngó thấy cái đầu trọc lóc của tôi ló vào nhà, mẹ khóc. Đắc đạo Cham, tôi biết mình cần “mát” kiểu khác.
04. Tôi kính tín Pô Yang nhưng không tốn một nải chuối cho quý Ngài. Tôi dùng lòng thành đối đãi với Pô, có thế thôi – không gì khác.
05. 25 tuổi, tôi quyết định giao toàn bộ tư liệu văn học và ngôn ngữ [cực khủng] cho hai Cham, để vô ưu đi vào sáng tạo [lớn] – là điều tôi biết khi ấy không có Cham nào kham nổi.
06. Vào việc chung, tôi là kẻ làm nhiều nhất lại nhận về mình phần ít nhất có thể. Tôi không giàu, khi túi rủng rỉnh tiền, tôi luôn nghĩ về khác: các bà mẹ Cham, các em bé, chương trình rau sạch cho các chị…
07. Tôi nhập cuộc hết mình chuyện cộng đồng mà vẫn cô đơn. Đó là thứ cô đơn tự chọn lựa. “Và thiểu số giữa lòng thiểu số”, thế nên bè nhóm, phe phái các loài hoàn toàn xa lạ với tôi.
08. Hiểu biết, và với tinh thần vô tư, từ chuyện tôn giáo đến đời thường, dù vụ lớn hay bé – vào cuộc, tôi tháo gỡ gọn nhẹ.
09. Như là con người, tôi cũng phạm không ít sai lầm chí nguy, nhưng rồi “may mắn luôn có mặt kịp thời”: tôi thoát nạn.
10. Tổ chức, từ khóa dạy Akhar thrah đầu tiên sau 1975 tại Chakleng đến đặc san Tagalau, từ mở Hội nghị Chiếu dài cho Cham đến chủ trì Bàn tròn Văn chương của Hội Nhà văn Việt Nam, cái gì tôi chạm vào đều hanh thông.
11. Tôi yêu Cham, chức sắc và người nữ ở hàng đầu. Dù họ có lầm sai tới đâu, tôi không chê trách họ. Bởi đó là hai bộ phận đặt nền để Cham tồn tại qua giông bão thời cuộc, cho dù “tháng ngày qua vẫn sống trong đêm mờ” (Chế Lan Viên).
12. Là kẻ trung hòa, tôi có thể chơi với mọi sắc dân, từ trong đến ngoài nước, từ người thiểu số đến dân đa số: Việt, Tày hay Churu; thân thiện với mọi bộ phận Cham, từ nông dân đến trí thức, từ trẻ em đến người lớn; với mọi hệ tư tưởng chánh trị hay tôn giáo, chính thống lẫn phi chính thống.
Tôi có thể sắm vai sứ giả làm cầu nối hóa giải và hòa giải mọi đối lập, từ khác biệt quan điểm giữa chức sắc tôn giáo nhỏ bé như Bà-ni đến hệ mĩ học văn chương như cổ điển với hậu hiện đại, hay lớn hơn: Việt Nam và Đông Nam Á.
Kết.
“Đừng lo cho tôi” – tôi nói thế, khi không ít Cham ái ngại cho tôi. Với lòng thành, tôi sống, viết và làm, còn lại phó mặc tất cả cho Pô Yang.
Dẫu sao cũng xin nói lời tạ ơn đến vài Cham, mỗi lần lên tháp hay vào Sang Mưgik, luôn cầu nguyện cho tôi sống dai.
Kajap karô – thuk siam!