Tết vừa qua, 4 anh em ngồi lai rai, bạn khen người cũ mới ghê, bài không học cũng thuộc, ba gai thì ba gai, mà luôn dẫn đầu lớp. Ỷ lại trí thông minh với năng khiếu, không khiêm tốn học, rồi đời cuốn sinh linh ấy về đâu?
Cháu gái lớp 6 cũng hệt, hết cãi cô lại phá bạn, cũng dẫn đầu lớp. Xinh, sáng, giỏi, “phá với cãi” hết biết luôn, mới nhờ đến tôi. Tôi nói:
Cháu mơ làm luật sư, hay lắm. Thắng cãi đâu phải chỉ biết riêng luật, mà cần kiến thức đa và liên ngành. Thuộc hết bài trên lớp, cháu tìm học trên mạng, đọc sách. Luyện thật giỏi ngoại ngữ để hướng ra thế giới rộng lớn hơn. Chớ tranh giỏi với bạn học hay cãi nhau mấy kiến thức trên lớp thì ích gì!
Cháu nhất lớp, đáng khen lắm, chớ hỏi cháu nhất trường chưa? Đã nhất huyện, nhất tỉnh chưa? Nhất Cham, thế cháu có nhất Việt Nam không? Cháu tự kê thêm… Đây là lần cuối ông nhắc, cháu nhớ.
Và tôi kể chuyện tôi.
Tiểu học trường làng, ông nhất lớp. Vào Đệ Thất trường Cham, ông thủ khoa. Qua lớp 12 trường Việt ông một trong hai đỗ Đại học, là chuyện hiếm. Mà ông có “phá và cãi” đâu, vẫn khiêm tốn học, giú mình trong bóng tối vô danh.
Nhất lớp, không dừng ở đó, ông học các thứ ngoài chương trình. Ở Trung học là chữ Akhar thrah, văn học Cham – học thiệt học. Lên Đại học là ngôn ngữ học và triết học; còn đọc thì mênh mông và đủ loại sách.
2. Hãy đọc khi bạn còn trẻ. Không phải đọc báo, mà sách. Đọc với CÂY BÚT & CUỐN SỔ trên tay.
Tuổi 20, bỏ nguyên năm cày thuê, mỗi tháng tôi nhảy xe vào Sài Gòn ôm về cả đống sách, về HỌC.
Tôi học bằng NGHE, đi điền dã, tổ chức “Hội nghị chiếu xe”.
Học bằng ĐỌC, đọc có hệ thống. Đọc hết chính tác phẩm Camus, Heidegger mới đọc tới sách bàn về họ.
Học bằng CHÉP, tôi chép Từ điển Aymonier 700 trang khổ lớn với ngàn trang sách các loại.
Học bằng DỊCH, 20 tuổi tôi đã dịch hết Paroles của Prévert.
Học bằng VIẾT, tôi học lí thuyết văn học khi viết phê bình.
Học bằng KHAI PHÁ cái mới, Tôn giáo Ahiêr Awal, Hải sử & văn hóa biển Cham, Minh triết Cham, Văn học ngoại vi Việt Nam…
Dù gì đi nữa, đỉnh cao của học, chính là học làm người. Khi rời bỏ tủ sách và trang viết, ở tầng cô đơn thứ bảy, tôi học qua SUY TƯ. Suy tư và ghi ra giấy suy tư của mình, để nhìn lại lộ trình – là điều thú vị nhất trong trận học.
3. Học, tại sao chán?
Út Jakha một hôm hỏi: Cả ngày bám bàn viết, không nhậu nhẹt bù khú, cei thấy đời vui không? – Vui! Sống là tương giao, với con người, vùng đất và ý tưởng.
Với con người: cei đi và gặp vô số người thuộc nhiều thành phần, dân tộc, độ tuổi khác nhau; với vùng đất: từ 12 tuổi cei đi khắp 27 palei Cham Ninh Thuận, sau đó là khắp tỉnh thành trên đất nước Việt Nam, rồi vài nước trên thế giới nữa; còn với ý tưởng thì miễn kể.
Cuối cùng, là tương giao với cô đơn.
Đến hôm nay tôi vẫn còn học.
Bí kíp-2. HỌC – VUI MỖI NGÀY, VUI MỘT ĐỜI.