Nghĩ-35. HÃY HỌC CHƠI

“Làm và vui, làm là vui – đó chính là chơi ở cấp độ thượng thừa. Chàm, hãy chơi thiệt như Chế Linh, và làm thiệt như Inrasara”.

Hôm trước, cô giáo trẻ gặp tôi, kêu rất thích câu thơ của cei Trà mà cei dẫn ở Inrasara-TV-1: “Chàm tui làm thì làm chơi/ chơi là chơi thiệt”.

Tôi nói, cei cũng thích. Dẫu sao cũng cần có câu hỏi: Chàm mình có ai “chơi thiệt” không? Dzô trăm phần trăm, hay đắm mình vào những trận thâu đêm suốt sáng, có là chơi?

Âm nhạc, có Cham nào chơi như Chế Linh, hết mình và tới cùng? Để từ cuộc chơi đó bội thu cả tiếng tăm lẫn tiền bạc? Không chỉ nhờ năng khiếu trời cho, mà từ anh biết học chơi và, dám chơi.

Thi ca, có ai chơi như Inrasara không?

Từ làng nghèo trong tỉnh nghèo nhảy thẳng vào trung tâm thơ Việt đương đại. Làm thơ, phê bình, diễn thuyết, tổ chức các sự kiện thơ, theo dõi các trào lưu thơ trên thế giới, vân vân để tự tin làm đạo sĩ truyền đạo… Thơ.

Vụ “Chàm chơi thiệt”, mươi năm trước tôi có thư cho bạn trẻ đăng Chamyouth.com ở Mỹ, sau đó còn có tút ngắn cho Jaka.

[1] “Thế nào là nhập cuộc chịu chơi?”, Inrasara.com, 9-10-2016 (trích):

Năm 26 tuổi, Jaka đại diện thanh niên VN đi chương trình quốc tế về Sáng kiến thay đổi. Đã đi bát ngát những: Nhật, Ấn, Thái… tưởng nó sẽ bay cao bay xa thì đùng cái 4 năm sau, nó bỏ thành về quê. Dựng Thang Tông, ăn vận như Cham thế kỉ XVII, và sống “thiên nhiên”.

Mẹ và các em không thuận, bằng hữu không ưng, riêng tôi: ừa. Vì tôi biết đó là một Ý HƯỚNG SÁNG TẠO. Dù Jaka giành mất ý hướng “quy hồi cố hương” của tôi trước đó, khi biết Nhà nước ý định khởi công xây Nhà máy ĐHN Ninh Thuận năm 2012.

Tôi hỏi Jaka cần bao nhiêu để “về”? Jaka nói, 10 triệu. Cuối cùng riêng nơi trú, [hồ] nước dưỡng vườn cây cũng đã ngốn tới hơn con số trăm.


Tôi ừa, vì tôi là ông bố chịu chơi, và biết Jaka đang NHẬP CUỘC CHỊU CHƠI. Trước, tôi có hỏi: Con hiểu sống là gì? Jaka: Sống là chơi. Tôi tiếp: Thế nào là chơi? Câu trả lời bỏ lửng…

Mang tư tưởng Hậu hiện đại, tôi vô phân biệt nhỏ và lớn, trung tâm hay ngoại vi, nỗi “quốc tế” hay làng quê, mà nhấn ở TINH THẦN và TẦM của chơi.

Tôi đã nhập cuộc chịu chơi với văn chương tiếng Việt. Chơi hết mình và tới cùng.
Hôm nay Jaka cũng đang nhập cuộc chịu chơi theo kiểu mình. Và cũng phải hết mình và tới cùng. Như tôi, và hơn nữa.

Muốn chơi thì cần Sức khỏe, Kỹ năng và Minh triết. Để có sức đi dài, đi xa, đi vạm vỡ. Cùng nhập cuộc chịu chơi, trò chơi thế mệnh JEU DU MONDE.

“Hãy học ngợi ca – thư cho bạn trẻ”, Chamyputh.com, 2006 (trích):

Bạn hỏi tôi, giữa xô bồ thời hiện đại, làm sao Cham trụ vững để có thể giữ mình là Cham. Làm thế nào thế hệ trẻ tìm được đất khẳng định mình? Tôi hiểu băn khoăn của bạn, cũng là của tuổi trẻ tôi. Từ tuổi mười lăm – tuổi tìm học, tôi từng dằn vặt. Không ít lần thất vọng muốn phó mặc, nhưng không! Giữa cuồng lưu cuộc sống hiện đại, vẫn còn một cọng cỏ hi vọng cho ta bấu víu – là tinh thần hậu hiện đại!

Hậu hiện đại postmodernism quyết đánh đổ “đại tự sự” (grands récits, Lyotard), để thay vào bằng “tiểu tự sự” (petits récits). Cá nhân/ cộng đồng kể chuyện về mình, suy tư, phản ứng hay hành động một cách riêng tư trước vấn đề cụ thể mà thế giới đặt ra cho cá nhân/ cộng đồng mình. Nó không lo lắng cho cả thế giới, nó chỉ lo lắng cho nó thôi, bởi nó cũng là một thế giới. Khi lo lắng cho mình cách rốt ráo, là nó đã lo lắng cho thế giới rồi.

Nó bày ra trò chơi cho nó, vì nó, nó chơi trò chơi đó – hết mình. Dẫu sao nó biết thế giới không phải chỉ có mỗi nó, nó với trò chơi duy nhất; vì, bên cạnh nó và cùng tham gia trò chơi thế giới (chữ của Heidegger) với nó còn có những “nó” khác. Những “nó” này đang chơi trò chơi của họ.

Bạn và tôi là Cham, chúng ta đang nói tiếng Cham, ta trách nhiệm bảo vệ và phát huy tiếng mẹ đẻ. Tạo lập thế giới tiếng Cham, bày trò chơi trong đó, sử dụng ngôn ngữ đó viết văn, làm thơ hay trò chuyện hàng ngày. Làm được như vậy là ta đóng góp cho ngôn ngữ thế giới, làm đa dạng hóa ngôn ngữ nhân loại rồi.

Văn hóa Champa là văn hóa đùa vui

chịu chơi cả trong đau khổ! (Lễ Tẩy trần tháng Tư-2002).

Vậy, tại sao chúng ta không chơi đi?

Hiện ở Tây phương đang Olympic mùa đông. Thử xem môn trượt băng nghệ thuật, thiên hạ bày ra bao nhiêu trò mới lạ, lôi cuốn. Thấy mà thèm! Thuở trẻ, thế hệ chúng tôi chơi trò chơi của đứa con Cham, nghèo nhưng luôn nhập cuộc hết mình và thích thú. Tuổi trẻ Cham hôm nay ngược lại, dường ít chơi.

Ở thế giới mạng, ta bắt chước người lớn, cãi lí hơi nhiều. Ta quá căng thẳng trong “chân lí”. Và ai cũng muốn kéo chân lí về phần mình. Dù chân lí đó – như ông bà ta nói, chỉ to bằng củ khoai:

Thunau đơ bo habei/ Gru thi brei đa ka abih

Bùa bé bằng củ khoai, Thầy muốn cho ai e rằng mất hết!

Tại sao ta không bày nhiều cuộc chơi, nâng cấp lên thành chuyên nghiệp, biến trò chơi thành một nghề vừa bồi bổ sức khỏe vừa hái ra tiền. Đủ khả năng đem chuông đấm xứ ngoài. Hãy tưởng tượng xã hội Cham nảy nòi ra một Cathy Freeman, vận động viên Úc vô địch Olympic, thay mặt cả nước Úc đốt đuốc Đại hội thể thao quốc tế. Hãy tưởng tượng nhà văn Cham đoạt Nobel văn chương!

Chơi, đầu óc ta sáng suốt để nghĩ chuyện làm giàu, nghiên cứu. Chơi, thân thể ta mạnh mẽ, tâm hồn ta quảng đại. Ta dễ tha thứ, yêu thương nhau.

Hãy học ca ngợi và tạ ơn! Ca ngợi Tạo hóa, Phật, Chúa, Khổng tử, tạ ơn Ariya Glang Anak, Pô Klong Girai…

Ca ngợi và tạ ơn mặt trời mỗi sớm mai, ta được ban thêm một ngày mới để sống.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *