04. YÊU CÓ NGHĨA LÀ TRÈO-LỘI-QUA
Một câu tục ngữ – một dòng ca dao
nửa bài đồng dao – một trang thơ cổ
tôi tìm và nhặt
như đứa trẻ tìm nhặt viên sỏi nhỏ
[những viên sỏi người lớn lơ đãng giẫm qua]
để xây lâu đài cho riêng mình tôi ở
lâu đài một ngày kia họ ghé đụt mưa – chắc thế (Tháp nắng, 1996)
Đó là yêu đầy khiêm tốn. Không phải thứ hô to “tôi khiêm tốn”, mà đích thị là thứ khiêm tốn đi-lượm-nhặt-làm. Chính từ tình yêu say đắm ấy, tôi đã dựng nên lâu đài Văn học Cham, cho Cham hôm nay đụt mưa, khi linh hồn họ đơn côi không nơi nương tựa.
Đó là sự thật.
Từ 14 tuổi…
Văn học Dân gian Cham, tôi lặn lội qua vài chục palei Cham vô số lần, tìm gặp cả trăm sinh linh được cho là thấp hèn nhất đến trí thức cao ngạo nhất. Nghe, hỏi, và ghi chép. 25 năm, tôi mới có được:
42 bài ca dao ‘Panôic pađit’, 27 bài đồng dao ‘Kadha rineh doh’, 74 câu đố ‘Panôic pađao’, 384 tục ngữ ‘Panôic yao’, 890 thành ngữ ‘Boh kadha’ cùng vô số đặc ngữ khác. Đại bộ phận là DỮ LIỆU GỐC, nghĩa là không chép từ công trình nào trước đó.
Cũng là dữ liệu gốc, tôi đi vào các gia đình Cham: cụ Huỳnh Phụng, chú Bá Văn Có, chú Phú Văn Thiệt, ông Tài Văn Tre, ông Thành Long, ông Nguyễn Tùng, ‘Pô Adhya’ Hán Bằng, ‘Mưdôn gru’ Hán Phải, ‘Pô Adhya’ Doh, anh Não Cùi, anh Thuận Văn Liêm, vân vân để chép từ văn bản viết tay, nghe chép từ thuộc lòng mới có được hàng trăm sử thi ‘Akayêt’, trường ca ‘Ariya’, tụng ca ‘Damnưy’, gia huấn ca ‘Kabbôn’, vân vân và làm nên bộ Văn học Cham.
Với Agal ‘Ahiêr Awal’, tôi cũng đi từ văn bản gốc. Không thể khác. Không thể học từ ngọn, hớt lấy lớp váng.
Phải là một YÊU khủng khiếp mới lãng phí tuổi trẻ để làm được như thế. Làm, và không hô: tao giỏi hơn mầy!
Đó là chưa kể ở tuổi 17-19, tôi đã hai lần chép Dictionnaire Cham Francais của Aymonier 582 trang khổ lớn, sau đó tổ chức mươi “hội nghị chiếu dài” mời các bác, các thầy về nói chuyện, để học nữa!
05. YÊU LÀ BIẾT LAN TỎA
Nghiên cứu [hay học] để làm gì?
Trước hết, học chỉ thuần do tình yêu. Như tinh thần philosopher của Tây phương, hay Thiện tri thức của nhà Phật. Hoặc, theo truyện cổ “Đi tìm học bán vợ” của Cham (Minh triết Cham-2011). Đó là yêu cái biết.
Học [hay nghiên cứu] như khi yêu Cham, ta nghiên cứu để bảo tồn truyền thống văn hóa dân tộc. Là yêu cái khác bên ngoài.
Còn nghiên cứu để có công trình riêng nhằm khuếch đại cái tôi, như loài nghiên cứu cất thư viện cho kẻ đến sau tới nghiên cứu làm nghiên cứu… Là yêu mình, hay vị kỉ.
Tôi, nghiên cứu để ỨNG DỤNG.
Ở phần dẫn nhập Văn học Cham khái luận-1994, tôi nói rõ: “Vì đối tượng phục vụ là đông đảo công chúng, thế nên lối viết và cách trình bày không giống sách giáo khoa hay công trình thuần túy khoa học.”
Cham hôm nay đang tồn đọng khối vấn đề cần đến bàn tay, khối óc và tấm lòng, nhiệm vụ hàng đầu là nghiên cứu để ỨNG DỤNG, để LAN TỎA, và để SÁNG TẠO.
Nhằm phục dựng nền văn học dân tộc, tôi lang thang vào các palei Cham tìm sách chép. Trên hành trình đó, chưa gia đình nào từ chối tôi. Chép, và tôi sẵn sàng cho, để rồi khi cần, mượn chép tiếp. Chép, rồi thuộc lòng lúc nào không hay. Chép, còn giúp tôi khám phá ngõ ngách ngôn ngữ và kĩ thuật văn chương ông bà.
Làm bộ Văn học Cham, tôi 2-3 lần chép tay bản thảo của mình để nộp nhà xuất bản. In ra, tôi dành đến một nửa số sách để biếu. Ramưwan 2018, mang sách tặng bảy Halau Sang Mưgik, các bác hỏi tôi lấy đâu tiền mà in sách biếu. Tôi bảo, tôi luôn giữ cho bàn tay mình mở, để tiền đi vào rồi đi ra. Không vấn đề gì cả, tôi luôn đủ sống, và sống khỏe.
Văn học Cham khái luận tác phẩm đầu tay in 500 bản, tôi nổi hứng mua luôn 300 cuốn biếu cho bà con. Ariya Trường ca Cham, tôi cho in 1.500 bản, giao hết 800 bản cho sinh viên bán bao nhiêu tiêu bấy nhiêu, còn lại chính tay tôi tặng các nơi. Mong rằng mỗi palei Cham ít nhất vài chục cuốn Ariya Trường ca Cham với những Ariya Bini Cham, Ariya Cam Bini, Ariya Xah Pakei, Ariya Glang Anak có mặt trong tủ sách gia đình.
Yêu – đi tìm – mượn chép – nghiên cứu và dịch – in ra – biếu tặng…
Trên ruộng thấp hay đồi cao, trong trường học hay giáo đường, ở diễn đàn – Yêu, sẻ chia, để lan tỏa, mọi lúc mọi nơi.