02. YÊU LÀ BIẾT LẮNG NGHE
Ramưwan vừa qua, tôi được dịp hội kiến một con người rất… đáng kể.
Thành Thảo dân Phước Nhơn, nguyên Hội đồng Tỉnh Ninh Thuận cũ. Hưu, ông ẩn tuyệt đối. Không ai muốn gặp ông, nguyên do: Chán, bởi ông nói quá nhiều; và ông càng không muốn gặp ai, vì chẳng ai biết nghe ông.
Thập niên 1980, tôi 3-4 lần ghé ông chơi, bẵng đi thời gian dài, mãi 36 năm sau…
Đúng, ông nói nhiều và liên tục, nói không cần biết người đối diện có nghe hay không. Người ta tránh ông là phải, tôi thì không. Ngược lại, tôi thích. Qua nửa buổi, ít nhất tôi nhận được 3 thông tin bổ ích từ ông, để đính chính lại cái biết của tôi: Về đất Trường Pô-Klong, về 9 sinh linh Cham ở Pabblap bị giết thời Việt minh, và về tổ chức Katê Cham.
Ông nói, tôi nghe, ghi nhận thông tin, và nói lời cảm ơn.
Yêu, có nghĩa là biết lắng nghe. Dù ta không nhận được thông tin mới nào, nhưng ít ra ta hiểu và cảm thông được nỗi người, nếu ta biết nghe. Lắm kẻ không biết nghe, không chịu nghe. Hơn nửa đời hư, tôi đụng phải bạt ngàn kẻ ham nói. Nói, và chỉ có nói. – Tội!
Năm 2008, Hội Nhà văn Thành phố đi thực tế Cà Mau. Buổi cán bộ Ban Tuyên giáo thuyết về lịch sử cách mạng Đất Mũi, dưới hội trường non 30 nhà văn, hầu như không ai nghe cả, nói chi ghi chép. Mạnh ai làm chuyện riêng, hay quay lại tán gẫu với nhau, mặc cho vị thuyết giả kia đang hào hứng với bài thuyết giảng đầy thông tin của mình.
Chúng ta không muốn nghe những gì ta không quan tâm, cũng có nghĩa là không biết nghe. Không biết nghe đồng nghĩa với không biết nói. Người ta nói, và không ý thức mình đang nói gì, càng không ý thức lời nói mình tác hại đến ai hay không.
Amư Klủn là diễn viên hài Cham nổi tiếng, từng đóng góp rất lớn trong việc lôi cuốn khán giả đến với các Đêm văn nghệ Cham; nhưng qua đợt lưu diễn xin tiền hỗ trợ xây Trường Pô-Klong thập niên 1970, hầu như sau đó hiếm ai ở Pô-Klong [cả thầy lẫn trò] ghé thăm ông. Tại sao? Bởi ông sống vô danh, nên không có gì để nói.
Tôi hai lần tìm đến thăm ông cũng vậy, ông không có gì để nói. Nhưng với tôi, cái cười và ánh mắt ông đã nói nhiều, rất nhiều.
Nửa năm sau cuộc gặp lần cuối ấy, ông mất. May cho tôi!
Tết năm 2003, mang tập thơ Lễ Tẩy Trần Tháng Tư qua nhà anh bạn Hà Văn Thùy tặng – tập thơ vừa nhận Giải thưởng lần hai của Hội Nhà văn Việt Nam, đang rất nóng. Anh chê quá xá chê, tôi lắng nghe, và cảm ơn anh bạn văn thân mến.
– Mình đã lang bạt nhiều, từng nốc bao nhiêu là loại rượu, nhưng chưa hề nghe hay đọc đâu đó có loài “rắn hổ mang biển”. Một loài chưa xuất hiện trên trái đất, chưa từng có mặt, sao Sara lại đưa vào thơ?
– Thế có họa sĩ Trung Hoa chuyên vẽ các loài ông chưa từng nhìn thấy, các loài chưa từng có mặt trên đời, là sao? Có phi thực tế không?
Yêu – lắng nghe – giải minh – vấn đề tự nó để hóa giải.
03. YÊU LÀ KHAI TÍNH
Khổng Tử: “Đại học chi đạo: tại minh minh đức”, nghĩa là Đại học làm sáng cái đức sáng [ở mỗi người học]. Ở chân trời khác, Đức Phật có phát ngôn tương tự, ở cấp độ uyên viễn hơn, đại ý: Mỗi sinh linh đều có Phật tính, bổn phận của đạo sư là giúp môn đệ tự tìm thấy nó.
Thường cha mẹ yêu con cái qua hình ảnh của chính mình, như là một mình-nối dài. Nối dài một dự án dở dang, một ước vọng thất thố, một lí tưởng đổ vỡ. Họ xây dựng hình ảnh con cái theo dự phóng của họ. Để đạt mục đích, họ uốn nắn, ép buộc con cái nghĩ theo, làm theo, sống theo hình ảnh kia. Họ biến con cái thành thứ Theo-ists thuần thành rập khuôn chính hoài bão của họ.
Đó là họ tự yêu chứ không phải yêu con cái.
Tình yêu là ưu tư, chăm sóc. Là phát hiện ra khả tính của con cái, dõi theo nó, tạo điều kiện tốt nhất cho khả tính ấy ra hình hài và phát tiết.
Đó là tinh thần dân chủ cao cấp [ai muốn liên hệ đến rau muống cao cấp nổi tiếng một thời cũng được!]
Tôi vận dụng tinh thần ấy ngay trong cuộc sống thường nhật ở gia đình: dân chủ tuyệt đối. Cha mẹ sinh con, trời sinh tánh. Mỗi đứa con mỗi khả tính khác nhau, tôi chấp nhận nó, và “ưu tư, chăm sóc” nó nhi tiến.
Jaka đang ngon lành ở Sài Gòn, đột ngột muốn về quê dựng nghiệp cho thỏa chí trai ư? Dù vô số người phản đối, tôi: Ừ, và hỗ trợ.
Jaya có ý quay phim tư liệu về các nhân vật Cham ư? Tôi có ngay danh sách con người ấy cùng kịch bản làm việc.
Ở Bàn tròn Văn chương hay trên diễn đàn các loại cũng thế: tinh thần dân chủ luôn được tôi tôn trọng, và tạo điều kiện cho nó phát tiết.