Tục ngữ Cham:
‘Thunau đơ boh habei/ Gru thi brei đa ka ô hacih’:
Bùa bé bằng củ khoai/ Thầy muốn cho e [trò] chưa sạch.
Không cho, không phải ích kỉ, hà tiện mà là, trí bạn đã thông chưa, và bạn đón nhận nó với tâm thế nào?
Năm 1991, đang thủ quán tạp hóa ở quê, không biết tin từ đâu, hai sinh viên Việt lạ hoắc đang năm cuối Đại học Tổng hợp: Thuyên, về ngôn ngữ học cùng Hiền, về thành ngữ – ghé Chakleng nhờ tôi “hướng dẫn” khóa luận. Tôi nói:
– Hai bạn qua vài làng Cham nhé, tuần sau trở lại.
Họ đi, chưa hết tuần đã hối hả quay về: – Chết tụi em anh ơi!
Xem qua hồ sơ, vài chục tục ngữ sai hết nửa, còn ngôn ngữ thì có ông kêu Thuyên phải dùng thuật ngữ do ông bày ra, vì đó là đặc thù tiếng Cham! Tôi bảo, hai đứa trụ tại đây đi, trưa chiều tối qua nhà anh Đạm ăn cơm… Thuyên một bên, Hiền một bên, rồi chỉ qua ba ngày xong luôn hai khóa luận! Chú Đạt Chữ biết chuyện, mới la:
– Trạm cho như thế thì mất hết tư liệu rồi còn gì! Tôi nói:
– Tôi giàu mà, chú chớ lo. Cho đi tức là còn, là có nhiều hơn…
Hồi ở Ban Biên soạn, tôi muốn tặng tư liệu về văn học và ngôn ngữ cho hai bạn Cham, họ từ chối – chuyện đã kể, miễn nhắc lại. Chỉ nhấn, tư liệu là “quý”, có được tư liệu Cham càng quý, vậy mà tôi muốn “cho”. Chớ nghĩ tôi tốt hay cao thượng gì đó, mà là muốn “đổ” trách nhiệm, chia phần việc. Bởi Cham mênh mông việc cần làm, vài cá thể nào đó không thể gồng hết.
Mà sáng tạo văn chương, ở thế giới Cham, được Bà Trời ban cho đặc ân, tôi muốn hết mình cho nó. Hoàn cảnh đẩy đưa kiểu ấy thì đành vậy. Tôi trở thành nhà nghiên cứu từ rủi ro đó.
Vào Sài Gòn làm việc, qua nhà một ông anh tôi hỏi mượn Ariya Glơng Anak, anh hỏi tỉnh bơ: Trạm có gì trao đổi không? Tôi ớ người ra. Tháng sau tôi ôm cả hai bao văn bản cổ qua, cần gì anh cứ photocopy mà xài…
Cho, có gì mà ngán. Vấn đề là bạn xử lí dữ liệu đó ra sao, chứ đâu phải bạn có bao nhiêu.
Thấy cuốn Dân tộc Chàm lược sử của Dohamide là hàng hiếm, tôi photo mươi bản và, cho. Vào hiệu sách gặp cuốn Tháp Chăm, sự thật và huyền thoại của Ngô Văn Doanh rất đáng đọc, tôi mua vài chục cuốn mang về quê, cho.
In công trình đầu tay Văn học Cham khái luận 500 cuốn, tôi kêu Nhà xuất bản nhượng lại 200 bản, để cho. Tagalau, tôi tặng ít nhất ngàn cuốn cho Cham ở quê nhà.
Tài thí hay pháp thí?