Chánh sử chép rằng, Chế Bồng Nga từng xua quân ra Bắc vào tận Thăng Long bao phen khiến vua quan Đại Việt kinh hãi. Giai thoại còn kể, một lần người dưới trướng lỡ tay làm vỡ chén trà, Ngài to tiếng khiển trách khiến tay này hãi quá chạy sang bên kia mật báo dấu hiệu chiến thuyền Ngài đang khiển quân, bên Đại Việt liền dồn hết hỏa lực nã pháo vào, đánh chìm thuyền ngự.
Sử chép thế, rồi thì người đời sau ca tụng hay trách móc tùy nghi, chớ ít ai chịu nhìn ra phía sau mặt chữ. Để gọi là HIỂU sử, hiểu người.
Ở tút “Minh triết Cham-36. Sức mạnh từ chối chiếm hữu không là của mình”, tôi có bàn qua quan niệm về đất của Cham. Chế Bồng Nga đánh, để thể hiện sức mạnh, rằng Champa hùng cường thế đấy, cho đối phương biết mà ngán đừng mơ lấn đất Champa nữa, chứ không ý đồ “thực dân”.
Lý Thái Tông thì khác…
Sử chép “chiếm được thành Phật Thệ, bắt hàng trăm cung nữ, ca kỹ và nhạc công mang về, trong đó có cả Mỵ Ê. Đến hành cung tại Lý Nhân, Lý Thái Tông sai quan trung sứ triệu bà sang hầu ngủ cho nhà Vua, thì Mỵ Ê lấy chiên trắng quấn quanh mình rồi nhảy xuống sông Châu Giang mà chết.”
Chiếm đất, giết chồng, rồi chưa chi đã đòi tòm tem với người ta thì hỏi có kì hôn?
Chế Bồng Nga có chơi kiểu ấy bao giờ!
Vào Thăng Long, ngồi uống rượu ngang tàng một cõi, thế thôi.
Ở lại – không, do quan niệm về đất rất khác. Hốt cung phi mĩ nữ về cũng không, trong khi mình đang quyền hành tuyệt đối, mà gái Việt đẹp nơi kinh đô đầy ra, chớp cơ hội thiên hạ sa cơ để gom về mình thì ngó sao được. Nếu có khoái thiệt, ta cắt hai châu làm quà tặng, không oách sao [Bùi Giáng có bài thơ “Chế Mân chịu chơi”].