Thư cho bạn trẻ-2. SÁCH

Tại sao phải đọc sách [giấy], bạn hỏi.

Tôi là kẻ yêu và mê chữ, đụng tờ giấy có chữ là cầm lên đọc, bất kể…

Dẫu thông minh tới đâu, nếu không trui luyện thông minh ấy chỉ đáng vứt. Thông minh cần được đặt nền móng trên kiến thức căn bản, sau đó là hiểu biết sâu và rộng, và nhiều thứ khác… mới có thể nói đến năng lực.

Kiến thức hiện nay được thu thập từ và qua 4 cấp độ: Facebook, lướt phây tưởng mình biết nhưng kì thực không biết gì cả. Đọc báo cũng vậy, dẫu sao báo thì hơn facebook xíu. Văn nghị luận giúp ta hiểu sâu vấn đề hơn. Cuối cùng là SÁCH, công cụ đáng tin nhất. 

Đọc sách thế nào?

[1] Cần đọc sớm, đọc trước tuổi 30… Tại sao? Bởi sau đó bạn có rất ít thời gian để đọc. Bao nhiêu sự và nỗi đời ập lên bạn, sức tiếp thu sút kém, óc tò mò giảm hẳn.

[2] Đọc loại sách vượt tầm mình.

Năm lớp Ba, tôi mê mẩn với Bay vào lửa đạn [không nhớ tác giả], một tiểu thuyết chiến tranh tình cờ lượm được. Sau đó là tiểu thuyết ngôn tình miền Nam, như: Bên dòng sông Trẹm. Rồi là bộ Thơ Tiền Chiến in khổ lớn tậu được, đọc chết mê chết mệt.

Trung học, tôi đọc… Từ điển Pháp Việt, Việt Pháp, Từ điển tiếng Việt và đặt mua tạp chí Văn, Văn học từ Sài Gòn. Rồi Việt Nam Văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm, Việt Nam Sử lược cùng bộ Nho giáo của Trần Trọng Kim…

Lớp Đệ Tứ là bước ngoặc lớn, khi bắt gặp Ý thức mới trong văn nghệ và triết học của Pham Công Thiện. Cùng năm, được phân công phụ trách Thư viện Trường, tôi nhai nát Hemingway, Steinbeck, và hầu hết tác phẩm Tự Lực Văn đoàn. Ở đây xin nói lời cảm ơn thầy Jay Scarborough đã lập cho Trường Pô-Klong Tủ sách ngon lành.

“Giải phóng”, từ đống “văn hóa phẩm phản động và đồi trụy”, tôi nhặt được Camus, Gide, sách về tôn giáo, lịch sử, nhất là về Do Thái… đủ cả! Một thời tôi còn mê mẩn sách “Học làm người” nữa!

Dân Cham dù nhà quê vẫn sở hữu nhiều tủ sách. Thời gian dài tôi ngấu nghiến tủ sách ông Châu Văn Mỗ [cả ngàn cuốn], anh Lộ Minh Trại, thầy Nguyễn Văn Tỷ, Đàng Năng Quạ, ông Quảng Đại Biểu, ông Thuận Văn Niên…

Đời sinh viên ngắn ngủi, bán tem phiếu rẻ rề, tôi lang thang đường sách cũ Kí Con: Đức Phật, Thiền luận, Heidegger, Krishnamurti, và Bùi Giáng là phát hiện lớn. 1982, làm kế toán Ban Biên soạn, tôi sắm tủ sách về ngôn ngữ học cho Ban, để riêng mình đọc.

[3] Kê ra như vậy để biết, tôi đã đọc đủ loại sách. Tại sao? Nó giống như thể tìm ý trung nhân, bạn cần quen biết và tìm hiểu nhiều người nữ mới có thể chọn một nửa của mình [vụ này tôi không rành, chỉ so sánh vui]. Bạn đọc 10-12 loại sách để có thể chọn 2-3 loài thích hợp, qua đó dấn hết mình vào nó.

Phần tôi là: văn học, nghiên cứu văn học, triết học và tư tưởng.

Vậy đó, ít nhất vài ngàn cuốn sách nặng kí đi qua tay tôi. Tôi đọc đến mê muội, cho tới tuổi 30 thì ngưng.

[4] Bao giờ thôi đọc… sách?!

Ngưng, để không cho mình mờ mịt bởi sách! Từ tuổi 30, tôi đọc để làm việc, và suy tư.

Vào Đại học soạn Từ điển rồi làm phê bình, mấy nhiệm kì sắm vai này nọ trong Hội Nhà văn, Hội VHNT các DTTS, Ban giám khảo Giải Sách Hay Viện IRED, chấm giải thưởng các tỉnh thành, Chủ trì Bàn tròn Văn chương, vân vân, tôi đọc để làm việc.

Tôi vẫn còn yêu chữ, nhưng hết còn mê mệt sách theo kiểu tình yêu thuở ban đầu lưu luyến nữa.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *