Minh triết Cham-41. TÔI LÀ 1 PARA-CHAM

[bổ sung bài “Thế nào là một Cham?”]

Minh triết Cham in lần đầu vào năm 2011, sau hai lần tái bản, và mới nhất: nối bản, nay đã hết. Đến nỗi một bạn đặt mua 30 cuốn, nhà chỉ còn đúng 10 cuốn gửi đi.

Hôm qua, tút về cha, có bạn chat hỏi, sao lại đưa bài này vào “Minh triết”? Câu hỏi đầy thiện ý. Tôi nói, về cha, thầy, bạn học hay về tôi – đó là minh triết của và giữa đời thường. Minh triết Cham phần cứng đã ổn, in lần tư, tôi sẽ bổ sung 2 mục quan trọng:

[1] Tôn giáo Cham: Sáng tạo, hòa bình và nhân văn & [2] Minh triết giữa đời thường.

Đó mới là minh triết theo nghĩa rộng nhất của từ này. Bởi sinh linh Cham sống trong môi trường tôn giáo dân tộc không thể tránh, nữa – nếu minh triết dành riêng cho giới chữ nghĩa, nó chỉ là triết học thuần túy. Và đó không là mục đích Minh triết Cham nhắm tới.

Tập thơ Lễ Tẩy trần tháng Tư, bản in đầu vào năm 2002 ở bài “Tạ ơn”, tôi viết:

Sống có nghĩa là có tội, tội lỗi bày ra

Không cho ta sám hối, cũng chẳng thể sẻ chia

Nó xóc ta cô đơn sòng bạc cuộc đời.

Tái bản năm 2012 và lần nữa ba năm sau, tôi bỏ hẳn đoạn đầu đó, đơn giản: tôi đã vượt qua. Là Cham, tôi không còn cảm nghe có tội nữa, mà đã “nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo” (Nguyễn Công Trứ). Không nợ tổ tiên Cham, không nợ sinh linh Cham hiện nay, hết nợ vợ con, làng xóm họ hàng, tất cả!

Ý thức sâu thẳm về TỘI, tôi thực hành yêu thương.

Yêu thương có nghĩa là ưu tư và chăm sóc. Ông bà Cham dẫu có vẻ thực dụng: ‘Nit joh drei ô hu gẹt brei jaang yau ôh nit’: “Thương ốm o không có gì cho coi như không thương gì cả!” vẫn không đi ra ngoài hàm nghĩa “ưu tư và chăm sóc” này.

Tôi đã “cho” gì?

Ngay từ bé, tôi học và nói tiếng Cham thuần, dạy và viết sách về ngôn ngữ Cham, sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ, nghĩa là bảo tồn và làm mới ngôn ngữ dân tộc. Ở đây, chẳng những không đẩy một từ Cham nào vào “nghĩa trang chữ”, tôi còn làm cho nhiều ngôn từ sống sót, sống lại!

Nghiên cứu và quảng bá văn học tổ tiên, bảo vệ tôn giáo dân tộc đủ đầy và toàn vẹn nhất, bởi tôi nhận ra ở đó bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, máu xương các thế hệ đã đổ ra dựng nên nó. Bỏ mặc cho nó rơi rụng hay thất tán, là có tội.

Cho dù “gia tài của mẹ để lại cho” tôi, cho chúng ta ngày nay có thế nào đi nữa!

Với cộng đồng Cham hôm nay, tôi dấn thân vào cuộc, bằng khả năng và điều kiện của tôi, và hiệu quả không thể nói là không đẹp.

Với palei Chakleng nuôi nấng đầy tình thương yêu, tôi cũng xong nợ đứa con của Đất. Với vợ con, tôi đã hết trách nhiệm: Hani rất ổn, con cái đủ lông đủ cánh tự do bay giữa bầu trời lồng lộng. Với nhiều cá thể Cham hôm nay, tôi đã thực thi nhiệm vụ: tài thí, pháp thí và vô úy thí. Ai có tai thì nghe!

Để làm được bao nhiêu thứ, tôi có nên ốm yếu, nghèo hèn và xấu trai? Không, “MI KHÔNG ĐƯỢC QUYỀN BỆNH” – đó là hiệu lệnh tôi tự kỉ luật, ngay từ tuổi 20.

Trân trọng cái xưa cũ, hành động để bảo tồn; yêu thương người hôm nay  nhập cuộc để bảo vệ… Tất cả đẩy tôi thành loài cụ non “nghiên cứu” đóng thùng nghiêm trọng chăng? Không, tôi phải nhập cuộc chơi lớn hơn – chơi trò chơi thế giới Jeu du Monde.

Hết mình, tới cùng và nhẹ nhõm!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *