Đời sống Cham xưa gắn chặt với biển. Tinh thần biển lớn làm nên nền hải sử và văn hóa biển Cham. Đầu thế kỉ V, Gangaraja rời bỏ ngai vàng, vượt đại dương sang bờ sông Hằng tu hành.
Thế kỉ VII, Cham đã có giao lưu quan trọng với Nhật Bản. Chuyện sư Phật Triết truyền Mật tông và trụ lại tại ngôi chùa ở đất nước Mặt trời mọc là một.
Câu chuyện vua Chế Mân lấy công chúa Java là Tapasi cuối thế kỉ XIII, hay chuyện Pô Rômê (1627-1651) lấy công chúa Kelantan – Malaysia, hoặc trường ca cổ Cham kể về Pô Tang Ahok sinh ra, sống và chết đi với biển, là một mảnh huyền sử về văn hóa biển đáng giá.
Uraang hu thaang thi dook
Pô ngak danook dalam tathiik
Uraang hu thaang thi đih
Pô ngak anih dalam tathiik
Người có nhà để trú
Pô lập chỗ trụ giữa biển khơi
Người có nhà để ngủ
Pô làm nơi ngụ giữa biển khơi
Maspéro thêm, vào đầu thế kỉ X, Po Klun Pilih Rajadvara – vị quan phục vụ 4 đời vua đã hai lần đi đến kinh đô Java “để học khoa học thần bí”, rồi “chuyện hoàng hậu Daravati (mất năm 1448), em ruột vua Chiêm Thành, là vợ một vị vua xứ Madjjapahit ở Java, và chính bà đã đưa Islam vào xứ này…”
Từ những cuộc viễn dương kia, Cham đã dựng nên nền hải sử dài và sâu, bổ khuyết vào lịch sử Việt Nam, ở đó người Việt chỉ mạnh về đất liền, chứ biển cả thì không.
Chính tinh thần phiêu lưu này làm nên – theo cách gọi của Tạ Chí Đại Trường – “tư duy biển lớn” của Cham (Sơ thảo: Bài sử khác cho Việt Nam, Damau.org, 8-1-2009).
“Tư duy biển lớn”, ưa phiêu lưu làm tiền đề cho sáng tạo.
Hôm nay, Cham – còn ai có thể nghĩ lớn? Hay nói như ông bà xưa:
‘Mưtai di kroong di tathiik
Thei mưtai di danao kabao mư-iik takai palei’
Chết nơi biển cả sông sâu
Ai đâu lại chết vũng trâu ven làng?