Ca ngợi bảo thủ [“Minh triết Cham-20”], nhưng có phải bảo thủ để mà bảo thủ? Lẽ nào Cham mãi “tháng ngày qua vẫn sống trong đêm mờ” (Chế Lan Viên)?
Do Thái có thứ tôn giáo dân tộc không giống ai, như Cham. Và hệt Cham, họ chỉ chấp nhận con của mẹ mới là người Do Thái, còn thì ông gieo giống đâu đâu thì cứ gieo, những “đứa con hoang” ấy không được vào ‘Kut’ hay ‘Ghur’ chính của dòng tộc! Tôn giáo Cham không cho người khác vào đạo mình là vậy, nói chi phải mất công đi truyền giáo để tạo… chiến tranh!
Cham cũng nòi thông minh chả thua Do Thái là bao, chớ Cham với Do Thái khác nhau ở đâu?
Sau hai ngàn năm lưu lạc, như Cham và còn hơn Cham: Do Thái tồn tại. Câu hỏi, nếu tồn tại mà không sáng tạo, thì Do Thái có xuất chúng như Do Thái hiện nay không? Nữa, bản sắc và sáng tạo có ngáng chân nhau không?
Sigmund Freud – nhà đại cách mạng tư tưởng thế kỉ XX, người Do Thái:
“Freud từng giải thích rằng ông cảm thấy chất Do Thái của mình, không phải bởi truyền thống hay lòng tự hào dân tộc, mà do hai đặc điểm mà ông thấy còn quý hơn tất thẩy. Đó là tự do khỏi những khuôn mẫu niềm tin xưa cũ, những niềm tin thường ngăn cản con người sử dụng trí tuệ của mình, và đi ngược lại điều mà đa số thường làm” (Eran Katz, Trí tuệ Do Thái, Phương Oanh dịch).
Dân Do Thái sống qua nhiều đất nước, trong nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, ở đâu và bao giờ họ cũng tạo nên kì tích. Không những KHÔNG ĐÁNH MẤT MÌNH, mà họ còn cống hiến cho nhân loại bao nhiêu là sáng tạo.
“Ở thời Trung đại, 17,6% trong số những nhà khoa học hàng đầu là người Do Thái; trong khi họ chỉ chiếm 1% dân số. Nói cách khác, số nhà khoa học người Do Thái nhiều gấp 18 lần. Hiện nay, 1/3 số triệu phú, 20% số giáo sư tại các trường Đại học hàng đầu của Mỹ là người Do Thái” (Sđd).
Tại sao? Trả lời: Họ say mê SÁNG TẠO, say mê đặt nền tảng trên:
– Hiểu biết sâu và rộng: nền tảng ban đầu là yêu chuộng giáo dục, giáo dục từ rất sớm. Sau đó khi trưởng thành, họ tạo cơ hội cho người của cộng đồng giao lưu văn hoá. Muốn giao lưu thì cần trang bị cho mỗi thành viên tinh thần khoan dung và sự thích thú đối với các quan điểm hay ý kiến trái ngược.
– Phiêu lưu khám phá cái mới bằng cách, với tri thức: hoài nghi các loại tri thức đang hiện hữu. Với con người: nhấn mạnh ý nghĩa trở thành, không chỉ đang là. Muốn thế cộng đồng cần tạo môi trường cho sự phóng khoáng đối với các kích thích văn hoá, nghĩa là ít nhất một phần dân số cũng phải biết thưởng thức kết quả của những thiên tài này.
Freud nói:
– TỰ DO KHỎI NHỮNG KHUÔN MẪU NIỀM TIN XƯA CŨ, nghĩa là dám phản bội truyền thống. Phản bội truyền thống chứ không phải phản bội ông bà tổ tiên. Bởi chỉ khi có tự do, ta mới sáng tạo
– ĐI NGƯỢC LẠI ĐIỀU MÀ ĐA SỐ THƯỜNG LÀM, nghĩa là không đi theo lối mòn, mà dũng cảm khai phá cái mới, chấp nhận thất bại.
Dám nghĩ và làm được như Freud, Einstein là cực khó. Quan trọng không kém là, ở đó một bộ phận cộng đồng chấp nhận sự “tối nghĩa và khó hiểu” của những tư tưởng kia.
Cham thế nào?