Pangdurangga là khu vực địa lí lịch sử cực nam trong bốn khu vực thuộc vương quốc Champa. Suốt chiều dài lịch sử đầy biến động, khu vực này luôn chịu thiệt. Về mọi mặt. Xa trung tâm văn hóa lớn là vùng Amaravati thời Champa hưng thịnh, nó ít được ưu ái; không biết bao lần bị quân Khmer xâm lăng mà nó phải đơn thương chống cự, rồi sau đó – khi vương quốc suy yếu, một mình Pangdurangga phải chịu trận để thay mặt cả dân tộc mà tồn tại.
Tồn tại theo đúng tính cách của người Pangdurangga.
Vị trí địa lí cùng hoàn cảnh sống buộc Pangdurangga tự trang bị tinh thần độc lập. Tinh thần độc lập cùng sự đề kháng được rèn từ thế hệ này sang khác làm nên sức chịu đựng đến lì lợm. Chẳng ngạc nhiên khi không ít lần nó gây phiền hà cho chính triều đình trung ương. Một đoạn trên bia kí dựng trên đồi tháp Po Klaung Girai vào giữa thế kỉ XI (Claude Jacques):
“… vì người ở vùng Pangdurangga này ngang bướng, ngu ngốc, hung ác luôn chống lại hoàng đế tối cao. Cuối cùng ngài phải thân chinh đến. Những kẻ chống đối muốn tôn người Pangdurangga lên ngôi vua. Nhưng bằng trí thông minh khôn khéo của mình, ngài đã chinh phục được tất cả…”
Lạ, chính sự “ngu ngốc, ngang bướng” đó đã trui rèn Pangdurangga để nó được là chính nó. Thế nên, thế kỉ XVII-XVIII, khi Chúa Nguyễn cai quản phần phía nam và Tây Sơn thống ngự phần đất phía bắc Pangdurangga, Cham vẫn trụ vững. Hai nhà đã phải dành cho người Cham khu vực tự quản và tự quyết. Rồi khi Gia Long thống nhất đất nước, Cham vẫn phần nào còn làm chủ mảnh đất quê hương mình, mãi khi Minh Mạng quyết định hủy bỏ quy chế tự trị của Champa vào năm 1832, Champa mới mất hẳn (P-B. Lafont).
Khởi nghĩa và bị càn quét. Chết chóc và chạy loạn đến không còn sinh linh nào trụ lại. Pangdurangga vẫn thở, dưỡng nuôi mầm sống chờ đợi đứa con của Đất trở về.
Trở về, chịu đựng và dung nạp mọi cư dân các nơi khác chạy loạn thiên di tới, tiếp tục thổi vào họ tinh thần Pangdurangga tạo nên một cộng đồng cố kết, vừa đậm chất dân tộc vừa mang đặc trưng vùng miền.
Quyết liệt và bao dung, ngang bướng mà vẫn nhún nhường, chính người Pangdurangga đã hóa giải và hòa giải hai tôn giáo từng đối kháng là Ấn Độ giáo và Islam để tạo nên “đạo Bà-ni” (Cam Awal) có một không hai trong lịch sử loài người.
… Nhớ, năm 1908, Cham Ninh Thuận vỏn vẹn 6.000 người, để đúng một thế kỉ sau, con số tăng gấp 12 lần: hơn 72.000 người.
Đói khát, Cham vẫn làm lễ, đủ loại lễ hội. Đau khổ, Cham vẫn ca hát, nhảy múa và làm thơ – mênh mông thơ được viết ra trong giai đoạn này. Chưa qua kĩ thuật in ấn, ông bà chép truyền tay nhau thứ chữ “con giun” đầy mĩ thuật. Sống xen cư và cộng cư với người Việt, sinh linh Cham nhanh chóng hòa đồng nhưng chưa bao giờ đánh mất tính cách Pangdurangga cũng như bản sắc độc đáo của văn hóa dân tộc.
Minh triết Cham-19. PANGDURANGGA & TÔI
Về tinh thần Pangdurangga, tôi khái quát làm 4 đặc tính: Ngang bướng, lì lợm, đau khổ và kiêu hãnh. Tôi là đứa con của đất Pangdurangga chính hiệu con nai vàng. Thử làm đối sánh nhỏ với 3 gạch đầu dòng [chữ trong ngoặc kép trích từ tiểu luận “Cham Pangdurangga, ngang bướng, đau khổ và kiêu hãnh”, đăng AnhbaSam, 2012]:
[1] “Quyết liệt và bao dung”
Năm ngoái, một bạn văn dân tộc thiểu số ngồi với tiến sĩ Phú Văn Hẳn, từ Hà Nội phon, kêu: “Điều tôi khoái nhất nơi Inrasara chính là sự cực đoan”.
Đúng, tôi cực đoan trong văn chương chữ nghĩa, chớ ngoài đời tôi bao dung đáo để. Một tạp chí Cham hải ngoại viết và đăng hơn chục bài tấn công tôi, ngược lại ở Tagalau đặc san do tôi sáng lập và chủ biên thì không, dù nửa lần.
[2] “Ngang bướng và khiêm cung”
Lên tiếng cho cộng đồng, ở đó vài vụ rất cộm, người thân khuyên tôi dừng lại, tôi nói không, chưa xong là chưa ngưng. Nghĩa là ngang bướng miễn chê luôn.
Còn khiêm tốn, do ta hiểu sai, nên nhận trật đường ray.
Không ít người cho tôi ‘cơk’ “kiêu ngạo”, tôi đùa: Nếu không ‘cơk’ (“kiêu ngạo”) tôi không phải dân Chakleng, không thể là đứa con Pangdurangga. Đích thị kiêu ngạo có cội rễ, nền tảng. Chỉ khi bạn thêm cái đuôi ‘karơk’ = ‘cơk karơk’, nó mới là thứ kiêu ngạo vô lối, hổng chân.
Đối thoại vui: Hỏi, theo Inrasara đức tính đáng quý nhất của Cham là gì? Trả lời: kiêu ngạo. Còn tệ hại nhất là gì? Trả lời: Kiêu ngạo không ra trò.
[3] Lì lợm. Nguyên văn: “Tinh thần độc lập cùng sự đề kháng được rèn từ thế hệ này sang khác làm nên sức chịu đựng đến lì lợm”.
Dân Pangdurangga “lì”. Lì, nó mới trụ lại và chịu đựng bao công phá để mà tồn tại ngon lành đến hôm nay.
Tôi, không lì – tôi không thể giú mình 24 năm trong bóng tối vô danh với cả thơ lẫn nghiên cứu để đến tuổi nhi bất hoặc mới chịu xuất hiện. Chớ mấy tay làm thơ ba chớp ba nhoáng đã vội chường mặt ra ngoài mưa gió cuộc đời, để rồi phải ỉu xìu chỉ qua cơn gió nhiệt đới đầu tiên!
Cá nhân là vậy, chuyện chung – không li, tôi không thể trụ cùng Tagalau suốt 14 năm. Lì kinh hoàng.
Inrasara, Cham và Pangdurangga là MỘT.