Minh triết Cham-14. QUÊ NGOẠI

Cham mình hay vội. Vội từ lễ mở cửa tháp cho đền lạy đưa tiễn người thân đi xa. Có lẽ do dư hưởng từ thuở đại khủng hoảng rơi rớt lại. Ông bà nói: ‘Yau uraang đôic di kaliin’: [Gấp gáp] như chạy giặc.

Rước y trang Pô Yang đi qua lễ đài palei Hamu Tanran ngày đầu Katê, cũng vội, Vội đến không kịp cho khách thập phương thưởng lãm nghi thức của lễ. Có thể thay đổi nếp này được không?

Sáng nay, tôi chạy xe qua ngoại, cho kịp lễ thiêu Nai K’lặng. Mỗi lần về “quê ngoại” là mỗi xúc động kì lạ. Một cảm giác hạnh phúc đầy tràn. Năm trước tôi có tút: “Tôi là người hạnh phúc nhất thế giới”, năm nay nó lớn dậy, lan tỏa ra và muốn sẻ chia đến tất cả. Sinh linh đang sống, gần và xa, và những người đã xong chuyến buôn ở cõi tạm này.

Trước linh cữu Nai nơi giàn lửa sắp đưa dì về với ông bà, tôi đã không vội. Đợi cho con cháu lạy xong, tôi chậm rãi quỳ gối, nói với dì vài câu, mới ‘talabaat’…

Trích trường ca “Quê hương” [tặng anh Phú Văn Lưu]:

“Hãy yêu hãy yêu như ta chưa từng

đứa con đi xa bỏ hoang làng mạc

mang bụi đất quê hương về miền xứ khác

Và hãy yêu hơn con người chân chất

sống một đời ôm mang đất – phù du…”

QUÊ NGOẠI-1997

[tặng cháu tôi: Thy Ái, Phú Lâm…]

Gió nhảy trên ngọn đồi trọc

đường êm sao lòng cứ xốc

đụn trắng – bụi bay hay nắng bay

Trong mát khoảng đời cô em họ

vẫn thiên thần đôi mắt tròn đen

thăm thẳm như chưa một lần cũ

Tuổi bốn mươi bỗng thành thơ nhỏ

chợt là khách lạ giữa làng quen

một rá khoai bùi đã làm quý

Thèm nghe thơ hơn gặp người thương

(tình đậm ngại gì một hôm chậm)

ấm nào bằng ấm tiếng quê hương

Nhìn mặt đây lòng chưa thôi nhớ

không uống – li đầy vẫn muốn nâng

đất cằn mà hồn người cứ rộ.

[1. Cei Kaxu, sinh linh cuối cùng của thế hệ, 2-3. Các cháu kưng của tôi, 5. Anh chị em tôi từ Chakleng về quê ngoại]

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *