[kì 2. Cham, tại sao ‘halau janưng’ là số 1?]
Chiếm đất Champa, Việt có phá đền tháp Cham không? Có bạn hỏi thế, tôi trả lời luôn, rằng: không! Chưa hề thấy dấu vết phá, xưa cho đến nay.
Phá nát thành quách – biểu tượng một vương triều, trung tâm chính quyền thì có, chớ đền tháp: không. Bởi tháp Cham là biểu tượng tâm linh dân tộc Cham. Mà người Việt dễ tin, ưa… sợ, đụng vào tháp, hoặc tránh xa, hoặc tiếp nhận để cúng tế!
Tháp Chiên Đàn ở Quảng Nam, tháp Pô Inư Nưgar ở Nha Trang… là điển hình.
Không [dám] phá, cùng lắm người Việt xây cái gì đó trước mặt tháp để… trấn uy linh Chàm! Chứng từ có mặt rải rác…
Islam Cham thì khác. Xưa hay nay y hệt.
Xưa, hoàng tử Um Mưrup trong sử thi Akayet Um Mưrup, sau khi ngộ đạo Islam, đã dẫn đoàn quân về phá nát đền tháp vua cha Champa, cười nhạo trên đổ vỡ đó.
Nay năm 1960, cái ông ở Phước Nhơn kia, đắc đạo Islam hôm trước hôm sau đã hiên ngang bứng tượng Pô Klong Kachat biểu tượng cho thần làng mang đi ném xuống ao giữa đồng.
Hậu quả: Um Mưrup bị Kei Glong đâm chết, còn cái ông kia bị đọa cho tan cửa nát nhà.
Cham thì khác, tuyệt không nhà vua nào phá đền tháp của triều đại trước, dù đền tháp ấy lắm khi do “kẻ thù nghịch” dựng lên. Có ba nguyên do:
[1] Truyền thống Champa không thuần cha truyền con nối, mà rất khác. Thế kỉ IV, Gangaraja nhường ngôi cho cháu, để sang Ấn Độ tu hành. Thế kỉ XVII, Pô Mưh Taha truyền ngôi cho con rể là Pô Rômê…
Đền tháp được dựng lên, không cho dòng họ hay triều đại, mà cho toàn dân.
[2] Cốt tủy hơn – hệ triết học Ấn Độ, Brahmin là đẳng cấp cao viễn nhất, đồng thời nền tảng nhất để giữ cho Ấn Độ [ở đây là Cham] được là mình. Đẳng cấp thứ hai: Vua chúa và chiến sĩ có thể chuyển từ triều đại này sang triều đại khác mà không hề hấn gì; riêng đẳng cấp Brahmin nếu mất đi, cả hệ thống tư tưởng suy đồi hay sụp đổ.
Tháp được dựng lên,
bắc Champa là để thờ phụng thần thuộc Ấn Độ giáo, mà đẳng Brahmin là đại diện tín đồ hành lễ. Dẫu ông là vua thuộc triều đại nào, ông cũng phụng sự các vị thần linh kia.
Riêng nam Champa, thêm các nhà Vua được thần hóa. Như tháp Pô Klong Girai được Chế Mân xây lên để thờ vị trên, cho con dân Cham là tín đồ Bà-la-môn lẫn Bà-ni thờ phụng. Hỏi có vị vua nào đến sau dám đụng đến tháp không?
[3] Và điều cuối cùng không thể không nói lên, tháp Chàm là công trình nghệ thuật, từ kiến trúc cho đến điêu khắc với nhiều phong cách khác nhau. Tuyệt không Cham nào từ vua chúa cho đến thứ dân lại dại dột đi phá hủy công trình nghệ thuật của ông bà mình!