[kì 1. Tôi, nhìn qua Ba cuộc hóa thân của Nietzsche]
Sông Lu với cánh đồng quê tôi
như thần Shiva với thế giới
Shiva hủy phá và sáng tạo
sông Lu làm lũ lụt và bồi phù sa
khi sông Lu được vạch dòng quy hoạch
nó hết làm lũ lụt
cũng lúc thôi bồi phù sa
(Lễ Tẩy trần tháng Tư, 2002)
Tư tưởng Shiva: Phá hủy để sáng tạo, phá hủy vì sáng tạo, phá hủy là sáng tạo.
Cham đã làm hệt! Kiến trúc Cham, cứ nhìn 7 phong cách lớn cũng đủ thấy Cham đã thâu thái và sáng tạo như thế nào. Cham không sợ ảnh hưởng, không sợ lai căn. Khi đã xuất chúng thì ta ngán gì mấy vụ lẻ tẻ kia! Ta biến chúng thành của ta. Ta phá hủy để sáng tạo.
Vậy phá hủy có phải là phá rồi hủy không? – Chỉ có ngốc mới hiểu thế!
Các triều đại Champa với đầy đủ thăng trầm thù địch trong và ngoài, nhưng tuyệt đối Cham không phá hủy kiến trúc tháp đền của triều đại đi trước. Không lạ sao? Cùng lắm Cham nghĩ ra huyền thoại để không thờ phụng, như đã ứng xử với Ba Tháp, chứ không phá nát nó.
Tôi là kẻ giữ truyền thống, còn tệ hơn thế: thủ chức thủ kho.
Ba cuộc hóa thân của Nietszche, từ phận Lạc đà chở nặng [nghiên cứu văn học, ngôn ngữ] băng qua cuộc lữ cõi người sang làm Sư tử cuồng nộ la hét [phê bình & phản biện xã hội] giữa sa mạc trần gian để trở về làm Trẻ thơ ca hát [sáng tạo] – tôi sắm vai đủ đầy, trọn vẹn.
Kẻ sáng tạo thường thì không được cộng đồng bố trí [làm] thủ kho, hoặc ngược lại. Tôi là sinh linh Cham không nhận được đặc ân đó. Mang tiếng sáng tạo, tuy thế ngay từ tuổi theo học [theo nghĩa Khổng Tử], sinh phận đã đặt cho tôi ghế thủ kho đến không cách nào nhấc lên được. Ẹ thế chứ!
Từ thủ thư Trường Pô-Klong đến thư kí Hội Bảo thọ làng. Tuổi 15, trong khi các bạn học bay nhảy bồng bềnh tuổi trẻ, tôi lang thang qua khắp palei Cham lượm nhặt, thu gom, “nghiên cứu” văn học Cham, dạy chữ Cham và mở các “Hội nghị chiếu dài” cho Cham. Như loài Lạc đà vẫy gọi: Hãy chất lên lưng tôi, cao lên, nặng thêm. Tôi thèm khát gánh nặng, bởi đó là định phận của tôi. Không thể khác!
Thế rồi một buổi ngọ thiên…
Tôi trút mọi gánh nặng xuống, giữa sa mạc người, tôi thét vang. Như Nietzsche qua ngôn từ Phạm Công Thiện [có biên tập]:
“Các người đang trở nên bé nhỏ, càng lúc càng trở nên bé nhỏ, hỡi các người bé nhỏ kia! Các người đang sụp đổ tàn phế, hỡi các người tự mãn an nhàn kia! Rồi đây, các người sẽ bị tiêu diệt, do quá nhiều thói tật nhỏ bé của các người, do quá nhiều toan tính an phận bé nhỏ của các người…”
Tôi phê bình, tôi đối thoại, song thoại và tương thoại, tôi tranh luận và phản biện. Về thơ, về Cham, về đủ loại tạp pí lù diễn ra quanh tôi. Tôi tham luận diễn đàn các thứ. Tôi chủ biên Tagalau, quản trị Bàn Tròn Văn chương, chủ trì Cà phê thứ Bảy Văn học, tôi Hội đồng và tôi phản-Hội đồng….
Rồi sau giai đoạn Sư tử hống, cuối cùng tôi trở về làm Trẻ thơ ca hát. Trở lại tuổi tiền-15. Trẻ thơ mà không phải trẻ con. Tôi gọi đó là hành trình biện chứng của Minh triết. Tôi phải đi hết đường, để sống trọn vẹn tinh thần Minh triết.
Đó là theo chân Nietzsche mà diễn ngôn thế, chứ thực sự tôi khác cơ. Ba cuộc hóa thân diễn ra đồng lúc trong tôi, không tiệm mà là đốn ngộ. Lạc đà, Sư tử và Trẻ thơ có mặt cùng lúc, trộn lẫn vào nhau, tự hóa giải và hòa giải.
Tìm thấy bản sắc truyền thống để giải truyền thống, từ đó sáng tạo: là minh triết.
Như tư tưởng Shiva: Phá hủy vì sáng tạo, phá hủy để sáng tạo, phá hủy LÀ sáng tạo.