Minh triết Cham-8. ĐÓN NHẬN TRI THỨC BẰNG TÂM TRONG SẠCH

Người Cham tiếp nhận văn hóa Ấn Độ, ít nhiều ảnh hưởng nền nếp ấy. Cộng đồng Cham những năm 1950 trở về trước, nhà thơ được trọng vọng như bậc á thánh. Thế hệ ấy, người Cham từ “trí thức” cho đến nông dân, đều được học chữ thánh akhar Nưbi. Dù Cham tổ chức dạy kiến thức theo lối bí truyền, học nhóm với số lượng ít ỏi, có khi chỉ một thầy một trò, khá bất tiện. Thế kỉ XI, các sứ giả Tàu thử du nhập lối tổ chức theo trường quy Trung Hoa vào Champa, nhưng bất thành. Quan niệm về kiến thức của người Cham hoàn toàn khác. Kiến thức không phải thứ mang chia sẻ đồng đều ở trường lớp, mà nó chính là thách thức cho cá thể quyết mưu cầu nó, dọn sạch tâm để đón nhận nó. Panwơc pađit tục ngữ Cham:

Sunuw đơ bauh habei, gru si brei đa ka o hacih

(Bùa bé bằng củ khoai, thầy muốn cho, ngại ai chưa sạch.)

Thầy chưa vội truyền dạy cho bạn, e bạn chưa chuẩn bị tâm và trí để đón nhận. Trí chưa thông, biết bạn có mang vác nổi tri thức kia hay không, bạn bị tẩu hỏa nhập ma như bỡn. Tâm chưa sạch, biết đâu bạn sử dụng tri thức hay bùa phép lừa người, hại đời. Có thể lắm chứ! Ông Thành Tín được thánh Nưbi ban cho bài thuốc trừ rắn độc, ông không truyền cho bất kì ai, cả với đứa con trai duy nhất. Ví ông giấu kín bí quyết để trục lợi thì miễn bàn, đằng này, ông sẵn sàng bỏ buổi cày lặn lội qua chục cây số để chữa trị vô vị lợi cho người bị nạn. Không phải ông không tin người, nhưng biết làm sao bây giờ? Đã xảy ra bao nhiêu chuyện đau lòng nơi cõi nhân gian này, ai có thể lường được?

Đúng sai không bàn, sự thể ở đây chứng tỏ ông không mang tâm ích kỉ.

Ông bà Cham ít cho sách mượn, có lí do chính đáng của nó. Văn hóa Cham chưa trải qua kỹ thuật in ấn, sở hữu một bản chép tay là chuyện thiên nan vạn nan. Nơi đó không ít vị palơm tapuk mượn rồi giấu đi. Nên, nếu bác thích thì hãy qua nhà tớ mà chép. Không hợp lí hợp tình sao?

Các vị đạo sư Bà-la-môn như Vivekananda, Krishnamurti, Chandra có bao giờ giấu bí quyết đâu! Họ nói tất đấy chớ. Nói và bỏ đi. Buông bỏ, chối bỏ, cắt đứt, thả đi, phóng thích, ra đi, từ bỏ, rời khỏi, triệt tiêu, xua đuổi, dứt bỏ, nhổ bật, bứt rời… là huyền nghĩa của xả.

Như vị đạo sư kia, nói xong rồi quay lưng đi vào núi.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *