“Tôi là kẻ đốt lửa, nuôi lửa, và truyền lửa”.
Tại lớp Chuyên Văn Trường Phan Bội Châu – Vinh, 2-11-2019, 40 phút thuyết và non tiếng rưỡi ‘tìm học’, nẩy sinh hơn 20 câu hỏi. Đâu là quan niệm sáng tạo của Inrasara, hay tại sao gọi nhà văn là “kẻ bị đẩy xuống tàu”, đặc điểm chính của hậu hiện đại là gì, khác biệt về ngôn ngữ ở thơ đương đại, hoặc tại sao thơ hiện đại khó hiểu, cạnh đó tôi còn được đề nghị đọc ba bài thơ tiêu biểu nhất nữa…
Vài câu hỏi có vẻ ngớ ngẩn, nỗi ngớ ngẩn ngây thơ biểu hiện sự ham học đáng yêu, cần thiết cho hồi đáp tương xứng. Tiếc là, ở đó không nhiều thời gian để tường minh.
Tạm dẫn ra hai…
[1] Sáng tác bằng tiếng Việt, ở môi trường văn hóa Cham, xin hỏi nhà thơ đã viết như thế nào?
– Trước câu hỏi quen thuộc tưởng giản đơn này, tôi không kể lể ỉ ôi như thói thường, mà khơi gợi một ý niệm hậu hiện đại.
Con người là một văn bản, nhà văn là một văn bản. Văn bản được “viết” bởi cha mẹ, được tô vẽ qua môi trường tự nhiên nơi hắn sinh ra, môi trường xã hội hắn sống. Sau đó văn bản được làm đậm bởi thầy cô và nền giáo dục hắn thụ hưởng, ý thức hệ tôn giáo và chính trị của đất nước hắn, những cuốn sách hắn đọc, vân vân.
Không thể thoát!
Nhà văn làm gì? Vướng kẹt trong nó, để thành kẻ giữ kho và sống mòn ư? Không, nhà văn không thể không thoát, thoát khỏi “văn bản” định mệnh kia. Khác đi, khi thức nhận văn bản, hắn cần vượt qua ba tầng cô đơn và tự do và sáng tạo.
Tôi đã như thế: Là Cham và là Việt Nam, vừa là Việt Nam đồng thời là thế giới. Tôi nhấn, đây là ý niệm cực kì quan trọng, nắm được nó các bạn nắm cái thóp của hành trình sáng tạo.
[2] Thuật ngữ “phê bình Lập biên bản”, em nghe rất lạ, nhà thơ có thể cho biết tại sao, và như thế nào không?
– Đó là khởi điểm của phê bình khoa học khởi động cho phê bình khai phóng.
HTX Văn chương Việt Nam tồn tại hai thứ phê bình, thường được đặt cho cái tên phê bình hàn lâm và phê bình nghệ sĩ. Nếu điểm dễ thấy của phê bình hàn lâm là đĩnh đạc đóng thùng an toàn, thì ở phê bình nghệ sĩ là bình và tán tùy hứng, và tùy tiện.
Phê bình Lập biên bản ra đời quyết cắt đứt mấy nỗi ấy.
Nó kéo phê bình trở lại với văn bản văn học, do đó thao tác của nó đầy tính khoa học. Nó nhập cuộc văn học đương thời, thế nên chẳng những nó không né tránh tác phẩm, tác giả hay đề tài nhạy cảm, mà còn nhấn mạnh vào đó. Cuối cùng, nó ý hướng giải trừ tâm phân biệt đối xử, để nền văn học chấp nhận mọi trào lưu, mọi thể nghiệm và mọi cách thế hoạt động văn học.