[1] Câu chuyện.
Bài thơ “Ở nơi ấy, hảo hảo hảo” đăng lên, đã nhận ngay hai phản ứng khá bậy [xem ảnh cắt].
Đỗ Hoàng thì miễn, nhà thơ này thù tôi từ thuở tôi Chủ tịch Hội đồng Thơ, thù kéo dài tận tôi rời bỏ ghế vẫn chưa xong thù. Thù còn lây lan sang dân tộc Cham, buồn cười thế chứ.
Nhất Phương thì khác, không ghét tôi lại đi ghét… thơ. Tút về “Cắt lát lục bát” anh “nhiệt liệt”, sang “Ở nơi ấy, hảo hảo hảo” thì anh lại bậy. Nhà này thù ghét loài thơ khác thơ mình. Trong khi bài thơ được viết vào mùa Thu 2007, thuở Biển Đông nóng lên, được cho là bài thơ hay, Đài Úc đọc và bình nửa tiếng đồng hồ. Ai lại đi thù ghét nhỏ con thế.
Mà hai sinh linh này thất thập rồi chớ còn đầu xanh tuổi trẻ gì cho cam. Sara đã giải sân hận từ khuya: tuổi tìm học, khi tôi nhận thông điệp Ariya Glơng Anak.
[2] Giải minh ngôn từ [trích: Tiếng Cham của bạn-2015]
‘Tian: lòng. Cham nói ‘trak tian: nặng lòng, ví dụ nặng lòng với gia đình, quê hương… Nhưng, ‘Tung tian’: lòng dạ. “Trak tung tian” lại mang nghĩa bụng dạ bị trì nặng bởi nỗi buồn phiền, sự thù ghét…
“Palai tung tian” được Từ điển dịch là “bao dung”, đúng nhưng chưa thật chuẩn.
‘PA’ một tiền tố, mang nghĩa “làm cho”. ‘LAI’: “tiêu mất”. ‘Palai’: làm cho tiêu mất.
‘Palai tung tian’: làm cho tiêu mất sự buồn phiền, lòng căm hận. Đích thị: Giải sân hận!
[3] Giải sân hận [trích tiểu thuyết Hàng mã kí ức-2011]
Hirsch cho rằng “đọc thơ là một cuộc phiêu lưu trong sự cách tân, một hành động mang tính sáng tạo”. Stevens gọi người đọc là “học giả của một ngọn nến”. Cham không đọc Ariya Glơng Anak với con mắt soi mói của nhà nghiên cứu cân đong đo đếm câu chữ, mà nhấn ở đón nhận thông điệp.
Nếu bạn khả năng giảng giải ‘lang yah’, tầm chương trích cú Ariya Glơng Anak mà tâm bạn chưa tận diệt ‘palai tung tian’ mọi căm thù sâu kín, là bạn còn chưa hiểu Ariya Glơng Anak. Khi tâm hồn bạn còn trì nặng nỗi oán trách nhỏ bé, suy nghĩ nhỏ bé, hay bạn còn nuôi ý định âm u triệt tiêu ai đó, không biết cảm thông và tha thứ, là bạn chưa hiểu tinh thần Ariya Glơng Anak. Khi bạn chưa mở lòng với con người hèn yếu xung quanh, với mọi sinh thể trên thế gian mỏng manh này, là bạn chưa thể sẵn sàng đón nhận thông điệp Ariya Glơng Anak.
Ariya Glơng Anak, tác phẩm đậm tính nhân văn nhất trong lịch sử văn học Cham, chữ ‘janưk, mưbai, janưk mưbai’ thù, hận thù, căm thù lại có mặt dày đặc, là sao? Thi phẩm dài có 116 câu ariya Cham đựng chứa và cưu mang cả biển khổ cuộc người. Tác giả điểm mặt sân hận, để giải sân hận. Cuối cùng, kêu gọi Cham trở về với cội nguồn dân tộc, với thiện căn của con người:
‘Mưyah pap urang mưtwei saung urang gila
Jwai limuk jwai ba gơp gan gơk tatơk’:
(Nếu gặp kẻ mồ côi hay người khờ dại
Chớ ghét bỏ, đừng lôi kéo mọi người bức hại)
Một sinh phận dù bé nhỏ nhất cũng là một phần của nhân loại. ‘Ia pabah drei taprah nhjơp drei’: Nước bọt mình bắn trúng mình. Không thể huênh hoang đời đục riêng mình ta trong, đời say riêng mình ta tỉnh được. Cần có thái độ khiêm cung đúng mực. Như ngọn cỏ cúi rạp mình trước đêm tối bão dông, tu tâm tích đức, tôi luyện tài năng trong cô đơn, và chịu ẩn mình qua thời gian dài, để vươn dậy vào ngày mai.
Ariya Glơng Anak đã dạy thế.
P.S. Giải minh thêm
Bài thơ “Ở nơi ấy, hảo hảo hảo” viết ngay khi mạng Tienve ở Úc mở chuyên mục sáng tác về Hoàng Sa-TS. Damau bên Hoa Kỳ cũng hưởng ứng. Bài thơ được cho là hay và Đài Úc đọc và bình như đã nói.
Riêng với anh Ysa Cosiem, tại sao họ lại thế?
– Sara thuộc rất ít nhà thơ chính thống nhập cuộc, dễ ghét-1;
– Thơ ấy thuộc hệ mĩ học khác thơ họ, lại được cho là “hay” rồi “ưu ái” đọc và bình, dễ ghét-2;
– Sara là nhà phê bình duy nhất tổng kết [nghiên cứu và phê bình] về phong trào này đăng BBC và Tienve, còn in thành sách nữa, dễ ghét-3.
– Thêm chuyến Bắc tiến vừa qua, dù Sara đã rời ghế Chủ tịch Hội đồng Thơ, vẫn được bạn thơ và tổ chức các nơi đón mời, dễ ghét-4.
Ba ba nhập một thành thù ghét, sanh tâm sân hận và nói bậy.
Thug siam!