LÁT CẮT CHÂN DUNG THI SĨ QUA LỤC BÁT

[cảm nhận về tuyển Chân dung thi sĩ nhiều tác giả]

8 năm qua, tôi không còn viết giới thiệu tác giả tác phẩm hay trào lưu thơ nữa, dù đã đọc được không ít tập thơ xứng đáng cho vào hồ sơ, có nguyên do chánh đáng của nó.

Giai đoạn-1 “Phê bình Lập biên bản” đã qua,

giai đoạn-2 “Hồ sơ Biên bản so sánh” đã hết,

giai đoạn-3: “Phê bình khai phóng” vừa khởi động với “Giải thưởng nào cho Cửu Long cạn dòng, Biển Đông dậy sóng của Ngô Thế Vinh” thì tắt, chưa thể nổ máy lại.

Còn thì mươi năm qua, Viện IRED mời tôi tham gia Ban Giám khảo Giải Sách Hay, kẹt là tôi phụ trách mục sách Nghiên cứu chứ không phải văn học. 3 năm Covid-19, tôi xin hưu về quê, năm nay Viện lại mời, hứa đáp ứng các đòi hỏi về tài liệu, tôi nhận.

Bài viết dưới đây chỉ là ghi lại phát biểu ở một buổi “Bắc tiến”, không nằm trong hệ Phê bình Lập biên bản.

+

Tuyển tập Chân dung thi sĩ [nhiều tác giả] do Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và phát huy Thơ ca đất Việt thuộc Viện Nghiên cứu Bảo tồn và phát huy Văn hóa dân tộc do nxb Hội Nhà văn ấn hành quý III năm 2022, là ấn phẩm bề thế theo cả nghĩa rộng và hẹp.

Sách dày 852 trang, tập hợp 33 thi sĩ từ vài vùng đất khác nhau cùng góp mặt với ảnh chân dung, cả nét phác họa được nhìn qua văn thi hữu và tuyển thơ. Từ Hà Nội [Trần Trọng Giá], Thái Nguyên [Ngọc Thị Lan Thái] đến Huế [Hồ Xuân Đài], Kiên Giang [Phạm Mỹ Dung], Vĩnh Long [Trần Bình Trị]; từ Thành phố Hồ Chí Minh [Nguyễn Thị Hồng Lan], Thanh Hóa [Phạm Hoài Thanh], Quảng Bình [Trương Thanh Minh] cho đến Hà Tĩnh [Thái Minh Tuyến], Hải Dương [Nguyễn Tất Hịch]; từ Cà Mau [Nguyễn Nhất Thống] đi lên Kon Tum [Nguyễn Ngọc Truyền] ra tận Vĩnh Phúc [Nguyễn Ngọc Tung].

Họ có thể là  giáo viên như Đinh Văn Hiệp, tổng giám đốc một Hợp tác xã như Bùi Ngọc Hà, hay có học vị học hàm cao như Bùi Minh Trí, Lê Sĩ Thái; từ nguyên Đại sứ như Trần Trọng Toàn cho đến chị thợ may như Lê Thị Thủy…

Không gì nghiêm trọng cả!

Họ là thi sĩ. Họ yêu thơ. Họ góp phần nhỏ bé của mình vào công cuộc “bảo tồn và phát huy thơ ca đất Việt”.

Nói đến “bảo tồn và phát huy thơ ca đất Việt” thì không thể không động cập đến thể thơ lục bát, vốn được coi là “thuần Việt”. Ở Chân dung thi sĩ, nó là đặc sản! Và lục bát, thì không thể không thiếu “chân quê”.

Hãy đọc Nguyễn Thị Ngọc Mai:

Cái duyên bắc nhịp tơ hồng

Cho em lấy được người chồng chân quê

Trăng thanh thủ thỉ bờ đê

Võng tre kéo kẹt đêm hè ríu ran

Lòng em chẳng chút bộn bề

Chồng quê em chọn lời thề em ươm.

(“Chồng quê”, trang 65).

Không gì chân quê hơn. Chân quê ngay giữa phố thị nhộn nhịp người xe Hà Nội thời hiện đại, chứ không như cô gái quê của Nguyễn Bính xưa mỗi bận “đi tỉnh về” là mỗi bận “hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”, khiến nhà thơ lắc đầu ngán ngẩm. Ở đây thì khác, Nguyễn Thị Ngọc Mai không nhàm chán món chân quê ấy, mà ngày càng mặn mòi thêm, đằm thắm hơn.

Hay Phạm Thị Hồng Thu:

Một thời tóc chạm cầu ao

Để bao ánh mắt xé rào xuýt xoa

Toc hong dư\ới ánh trăng ngà

Dập dờn sóng tóc bay xa cổng làng…

Đâu rồi búi tóc rưng rưng

Bóng bà thấp thoáng lưng chừng cầu ao

(“Tóc bà”, trang 604)

Vẫn là lối diễn đạt mang tính tuyến tính truyền thống, tuy nhiên với tứ mới, lục bát của Phạm Thị Hồng Thu vẫn cho ta cảm giác nó mới lạ. Quen, mà vẫn lạ. Và thú vị, chắc chắn thế.

Lại Hồng Khánh có vẻ hơi khác. Lục bát của anh có cái bâng khuâng buồn nhớ của Tú Xương ở thế kỉ trước, nhưng day dứt và đầy thảng thốt:

Nhớ ngày đồng trắng… lúa đâu

Trắng trời, trắng nước, trắng câu gọi đò

Dù thảng thốt tới đâu, lục bát vẫn kéo ta trở về với thời “mẹ ta xưa” tràn kỉ niệm đẹp, tâm tình và thi ảnh đẹp:

Sau ngày cha mẹ thương nhau

Mẹ sinh một chút gái đầu là con

Giữa hôm mưa bão dập dồn

Đón con về giữa bồn chồn lòng cha

Con lên bảy, con mười ba…

Thoắt thôi con gái đã là nữ sinh

Con đi chợ huyện một mình

Mẹ cha gặp lại bóng hình năm xưa…

(“Con đi chợ huyện một mình”, trang 44)

Chính bởi lẽ đó mà thể thơ lục bát cần được “bảo tồn”, như bảo tồn hồn cốt Việt.

Không phải là thứ hoài cổ mà là sự hòa quyện nhuần nhị giữa cũ và mới, xưa và nay, truyền thống và hiện đại. Như Văn Diên:

Vẫn dòng sông của ngày xưa

Vẫn con đò nhỏ như vừa bên nhau

Mà say như mối tình đầu

Như say nắng mới, như trầu say vôi

Và Tạ Anh Ngôi:

Tôi về tìm lại tuổi thơ

Gặp con bướm trắng đậu bờ tầm xuân

Ra đồng tìm lại bước chân

Ngày xưa đi cấy bao lần mẹ qua

(“Về quê”, trang 410)

Dẫu thời gian qua, các nhà thơ đương đại có nỗ lực “phát huy”, đẩy thể thơ này lang thang đến chân trời “khai phá” tận đẩu đâu, lục bát Việt vẫn ở lại. Với vần bằng, với số chữ sáu tám và nhịp chẵn đặc trưng. Và dẫu nông thôn Việt Nam bị làm cho rách nát và đô thị hóa tới đâu đi nữa, những bờ lúa, gốc đa, nón lá, lũy tre làng, bóng mẹ quê… vẫn ở lại giữa lòng lục bát, như hơi thơ-hơi thở của lục bát.

Để làm nên đặc trưng không thể lẫn của thơ Việt.Nghệ An, 24-8-2022

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *