Khi Việt Nam đang khủng hoảng bản sắc, khi mất niềm tin tràn lan, khi tuổi trẻ nguy cơ bị đánh bật gốc – làm gì? Là câu hỏi thường xuyên được đặt ra với tôi suốt hành tình “Bắc tiến”.
Tôi nói, tôi tin tưởng vào cá nhân.
Chủ trương [có thể, và thường] đúng, tập thể [hay tổ chức] làm đa phần hỏng, ta chỉ còn trông cậy vào tấm lòng và nỗ lực của cá nhân. Cá nhân nghĩ đúng, kế hoạch đúng, làm đúng… quần chúng mới được nhờ.
Sử thi Tây Nguyên là điển hình tiên tiến.
Chủ trương đúng và tốt, nhưng rồi tổ chức đã làm thế nào? Sưu tầm, nghiên cứu cho ra 64 bộ dày cộm cất thư viện, để làm gì chả biết. Hay chỉ dành cho các nhà nghiên cứu đến nghiên cứu để nghiên cứu. Trong khi chúng hoàn toàn vắng bóng trong tủ sách gia đình của bà con Êđê, Giarai, Bana…
Tại sao không thể cô lại trong 500 trang, in vạn bản, để lan tỏa nó ra cộng đồng? Sao cứ mãi ham làm thứ văn hóa chết!?
Tổ chức là vậy, còn cá nhân?
Năm 2004 Toyota Foundation tài trợ cho tôi làm 4 Trường ca Cham 700 trang; cùng năm tài trợ cho một nhà khoa bảng Cham làm 1 thi phẩm cổ: Muk Thruh Palei trăm trang. Xong, họ hỏi, nhà ấy nói:
– Loài sách này không ai đọc, bán cũng chẳng được…
Thế là anh chỉ xin tiền Tập đoàn Nhật in trăm bản gửi tặng các thư viện Việt Nam và… quốc tế! Tội vậy đó. Tôi ngược lại, xin in 1.500 bản [tiền họ mà], giá bìa 60k, mang cho sinh viên cả thảy, thêm món đóng dấu bán nửa giá cho bà con.
Nghĩ khác, hành động khác cho ra kết quả khác: Các gia đình trí thức Cham được tác phẩm văn học dân tộc với giá rẻ, sinh viên có tiền xài.
Đặc san cho dân tộc cũng hệt. Sáng lập và chủ biên Tagalau cho Cham, tôi đưa Tagalau vượt qua bao gập ghềnh chông gai, để sống vui sống khỏe. Trong lúc Cham mỗi Inrasara hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, còn bạn văn Tày hơn chục.
– Tại sao Cham làm được, các bạn thì không? Tôi đã đặt câu hỏi ấy với ba bạn thơ Tày tại Trại Sáng tác Đại Lải vào mùa Đông năm 2005, để rồi sau non 20 năm, câu hỏi kia không chút âm vọng.
Ước gì có nhiều cá nhân làm như… tôi!