VĂN CHƯƠNG TAN RÃ-02

[hồi đáp 5 câu hỏi được gợi hứng từ Vanviet]

1. Từ cuốc bộ đến đi xe đạp, từ chạy xe máy đến đu máy bay, từ máy bay siêu thanh đến phi thuyền không gian, tiến bộ về khoa học kĩ thuật thì có tiến bộ – nhanh, mạnh và vững chắc nữa là khác, chớ nhân loại muôn đời vẫn đối mặt với bao vấn đề cũ. Đói no, dịch bệnh, yêu và ghét, chiến tranh và hòa bình, sống và chết. Vẫn bấy nhiêu ám ảnh đó, lặp đi lặp lại đến muôn năm.

Bề mặt có thể thay hình đổi dạng, ở nền móng, nó vẫn thế. Bất cứ thời nào ở cộng đồng dân tộc nào trong bất kì không gian văn hóa nào.

Chớ nghĩ nơi một làng quê Cham không thể bật lên sinh linh tham vọng tìm hiểu vũ trụ, hay công dân thành phố Paris hiện đại vắng bóng người hát rong, hoặc tập thể nhỏ bé người Raglai vùng trung du thiếu kẻ ăn không ngồi rồi, cả ngày mơ mộng gió mây hay ưu tư về nỗi sống chết.

Có, nhưng hiếm.

Văn chương không khác. Chẳng thời nào là thời của văn chương cả. Mặc cho số đông thờ ơ, mỉa mai hay quay lưng chối bỏ, triết gia vẫn suy tư, kẻ hát rong cứ kể chuyện, nhà văn mãi miệt mài viết.

2. Sokrates ngồi đó, không thiếu sinh linh rỗi hơi tìm đến nghe ông nói lí, mỗi chiều. Không phải đa số công dân thành Athènes, mà chỉ cần mươi mạng cá biệt thôi cũng đủ. Mỗi tối, vài chục bà nhà quê Chakleng réo nhau về nhà Klơng Phái nghe cổ tích, ông hứng khởi và vui vẻ phục vụ. Mỗi năm, 0,1% dân số Việt Nam vẫn cứ chờ đợi tác phẩm văn chương xuất sắc ló mặt chào đời.

Bộ phận nhân loại này không nhiều, nhưng không bao giờ thiếu.

Với văn chương, người đọc chờ đợi gì? Chờ đợi điều họ cảm nhận mà không thể nói lên, không thể nói hay, nói bằng thủ pháp mới lạ – như nhà văn. Nhà văn đáp ứng đòi hỏi đó, và còn hơn thế. Hắn thay đổi cách nghĩ, và cả cách sống của người cùng thời.

Thời đại khác, thơ văn cũng phải khác, cách biểu hiện khác, giọng điệu khác. Họ chờ đợi sự khác biệt độc đáo đó ở nhà văn, chứ không phải mấy nhai lại.

3. Cập nhật chính mình với nhà văn hiện thời không khó. Tiếng Anh, vi tính, các vấn đề thời sự nóng có mặt khắp, trên đủ dạng phương tiện. Đâu là nền móng? Một nền giáo dục Theo-ism, chắp vá và èo uột hết cải cách đến cải cách sẽ dẫn dân tộc về đâu? Cả nhà văn với tài năng thiên phú nữa…

Đám cây non vươn vội lên khoảng xanh

Mà rễ chưa được cắm sâu vào lòng đất

Chỉ cần cơn bão rớt

Cũng đủ làm chúng run bấn lên

(Inrasara, Lễ Tẩy trần tháng Tư-2002)

Đành rằng một nhà văn có thể tự đào tạo, ở đây – tôi muốn nhấn về nền tảng ban đầu.

4. Tài năng phải lộ bày. Ít ra người viết cũng cần hé cho độc giả nhận ra tiềm năng, để mà tin tưởng. Thế nào? Mươi năm qua, HTX văn chương chữ nghĩa Việt Nam vẫn còn quá đìu hiu.

Ba giai đoạn phê bình của tôi:

[1] Phê bình Lập biên bản như cách đặt nền móng khoa học cho phê bình, trong đó hình thức thứ ba là phê bình đi vào trong hệ mĩ học của sáng tác để nhận diện cái hay của tác giả, tác phẩm. Là phê bình không phân biệt đối xử với hệ mĩ học nào bất kì.

[2] Tiếp đến, Hồ sơ biên bản so sánh phân tích để tìm ra sự khác biệt, làm bật lên cái độc đáo của sáng tác mới.

[3] Giai đoạn cuối cùng là Phê bình như là khai phóng, chỉ bàn về tác phẩm lớn, hay và mang ý hướng tự do. Buồn là, tôi chưa [hay không] nhìn ra tác phẩm nào xứng tầm. Phê bình tôi cũng tắt nắng, từ ấy.

Ngay giờ phút này, chiến sự Ukraina đang nóng. Hãy tưởng tượng cặp tình nhân trẻ kia, vừa thoát qua biên giới Ba Lan với ảo tưởng mình tài năng, có lí tưởng khoa học – sẽ trở lại phục vụ đất nước hiệu quả hơn, ở thì tương lai. Trong khi đồng tộc đang chết, người thân yêu, cả bạn học cũ đang bị giết hại ngày qua ngày.

Tối xuống nàng tự hỏi, có nên làm tình không, có nên hỏi anh tối nay mình có nên làm tình không. Mặc cảm giằng xé, dù quyết không, nhưng rồi họ đã. Như là “con” không khác mọi mọi con khác. Sau đó, họ tiếp tục đi về hướng yên bình để hiện thực hóa lí tưởng hay quay trở lại địa ngục trần gian nơi quê nhà, là chuyện của mỗi nhà văn.

Thực tại và lí tưởng, tự do cá nhân và trách nhiệm cộng đồng, tình yêu và tình dục, sự sống và cái chết… Đấu tranh nội tâm của hai nhân vật này đủ làm nên tác phẩm lớn. Ai, nhà văn Việt Nam làm được chuyện đó?

Nói đâu xa, ngay nhà ta thôi, sự kiện Hoàng Sa-TS, 15 năm qua đi, ta vẫn cứ là chưa.

5. Nhìn vào sinh hoạt văn học mươi năm qua, trào lưu – không, tranh luận – không, tự do càng không.

Sau Nhóm Mở Miệng – chưa bàn chuyện hay dở, không có bất kì nhóm văn học khả dĩ nào xuất hiện. Có mặt thôi cũng chưa, nói chi đến làm xôn xao văn đàn.

Tranh luận, không. 20 năm trước, eVan giai đoạn đầu bày ra loạt khuôn mặt mới với lối viết mới, tạo dư luận đáng kể; nay thì không. Tiếp đến TalawasTiền Vệ tạo đất cho trao đổi, thảo luận về học thuật lẫn văn học; sau khi hai web này nghỉ, văn học Việt hết đất diễn.

Việt Nam chưa có diễn đàn tranh luận đúng nghĩa. Tranh luận vụn vặt dễ biến thành tranh cãi, đẩy tới thành cãi cọ, cả miệt thị cũng không chừa. Năm ngoái, bài thơ “chửi mất gà” đoạt giải báo Văn nghệ một thời làm “xôn xao dư luận”, đó lại là xôn xao giả. Không có một “trung tâm” điều tiết, càng không có tay cầm chịch uy tín điều hướng, tranh luận kia trở thành vô bổ.

Lẽ ra nỗi tương tự ấy là dưỡng chất cho web của Hội Nhà văn Việt Nam, vậy mà trang này như thể báo Văn nghệ chuyển khẩu qua, không gì hơn, không gì khác. Ta chỉ còn kì vọng vào Văn Việt. Rồi tại đất này cũng không khác, người cầm chịch vừa ít vừa quá tuổi khó kham nổi toàn cảnh sinh hoạt văn học, điều mà chỉ cánh trẻ mới gánh vác được. Mà tuổi trẻ Việt Nam bị nhá xèng cái, là run.

Tự do ư?

Tự do theo lối nghĩ của Nguyễn Thanh Sơn ấy!(*). Chuyện đã qua thì nên cho qua, phiền là lối nghĩ độc hại này vẫn tạo ảo tưởng cho không ít nhà văn Việt Nam, rằng ta hoàn toàn tự do. Tự do văn học là gì – nếu không có tự do viết, tự do ấn hành, tự do đọc, thảo luận, giảng dạy?

Không tự do thì không có văn học đúng nghĩa.

Với cuộc chơi văn chương chữ nghĩa, chỉ có tài năng lớn cộng với dũng cảm lớn mới hạ sinh tác phẩm lớn.

_____

(*)Nguyễn Thanh Sơn: “Bây giờ người viết hoàn toàn tự do. Chỉ trong một tích tắc, người viết hoàn toàn có thể xuất bản tác phẩm của mình ở bất cứ một blog nào hoặc gửi cho các trang mạng văn chương khắp nơi… Bây giờ mọi người đổ lỗi cho không có tự do sáng tác, không có tự do nghệ thuật. Điều đó không hẳn” (báo Thể thao – Văn hóa, ngày 8-2-2011).

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *