Khách sạn Thái Bình – Hưng Yên, 21-8-2022 – phát biểu ngắn.
Lễ Ra mắt sách do Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy thơ ca Đất Việt & CLB Thơ Phố Hiến, thành phố Hưng Yên.
+
Đi qua hai phần ba chương trình, lạ quá. Sài Gòn chưa hề có lễ ra mắt sách như thế. Chúng tôi làm khác: không tham luận, không khen không chê, thơ không tặng mà bán!
Tâm tình đã có người tâm, phân tích nội dung tập thơ cũng đã có kẻ phân, tôi thử nói về cái KHÁC.
Tìm trong ánh Mắt là ấn phẩm xứng đáng làm lễ ra mắt. Xứng đáng hơn nữa, nếu nó được tháo luận trong một bàn tròn, như Bàn tròn Văn chương của Hội Nhà văn Việt Nam chẳng hạn.
Chủ trì BTVC lần nhất về tập thơ Ngô Thị Hạnh tại Sài Gòn, một bạn phê bình: Thơ Hạnh có gì mà Inrasara làm “hội thảo”. Tôi nói, không. Nếu nó trung bình, Bàn tròn sẽ bàn về cái trung bình đó, tại sao nó trung bình, trung bình như thế nào, và làm sao cắt đuôi nỗi trung bình kia.
Đọc một hơi Tìm trong ánh Mắt, và đọc lại mục lục, tôi thấy gì?
Một vốn sống vô cùng phong phú, thơ động cập vào nhiều khía cạnh của đời sống. Từ chung đến riêng, đất và người, lớn và nhỏ, từ cao cả đến đời thường… Điều đó nói lên tình yêu cuộc sống và tình yêu cái đẹp là thơ.
Là điều đáng ghi nhận nhất.
Tôi thích tứ của các bài “Vào nghề thợ mộc”, “Câu đè lên câu”, “Phù thịnh – phù suy”… Thích nhưng tiếc, bởi tứ thơ chưa được đẩy tới cùng. Tiếc và sợ. Tôi có tiểu luận: Nhà thơ học biết sợ thơ để người đọc còn cần đến thơ”.
Nhị cú tam niên đắc/ Nhất ngâm song lệ lưu
Tri âm bất giác hiểu/ Quy ngọa cố sơn thu (Giả Đảo)
Phát hiện tứ thơ mới là tài năng, ai lặp lại nó thì thành nhàm, nhảm. Vậy mà ta cứ lặp lại. Ở đó “úp mặt vào sông quê” hay “trú mưa làm thành cuộc tình” là điển hình tiên tiến trong thơ tod. Mô tả người yêu, sao cứ mắt sao sáng, tóc mây, má hồng… mà không là mắt cá ươn, con chó ốm…?
Hãy nghe Nguyên Sa với “Nga”:
Hôm nay Nga buồn như con chó ốm
Như con mèo ngái ngủ trên tay anh
Đôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình
Để anh giận sao chẳng là nước biển…
Bài thơ “Câu đè lên câu” có tứ mới:
Kẻ nói phải có người nghe
Nhiều người cùng nói câu đè lên câu
Nghe xong chẳng hiểu đuôi đầu
Nổi khùng phát cáu đánh nhau gẫy sườn.
Sao không thể làm khác, như Nguyên Sa [“Sân bắn”]:
Bia lên ta thấy thân người
Thấy ta thấy địch, thấy đời lãng du
Thấy tay dư, thấy chân thừa
Thấy tai nghễnh ngãng, mắt mù óc không
Một đời phơ phất hình nhân
Thấy còn thấy hết, sau cùng thấy đau
Nhiều cây bút trị thơ lục bát, cả đời làm mỗi lục bát, thế mà hiếm ai hiểu đủ đầy lục bát. Có 4 điều cốt tủy:
Làm lục bát mà không nghiên cứu kĩ các thể thơ khác, thì không thể nói là đã hiểu hết lục bát; chưa đọc toàn cảnh lục bát Việt với những dòng khác nhau là chưa thấm nhuần lục bát; chưa biết đến ‘ariya’ Cham trong tương quan với lục bát Việt, thì chưa mở rộng tầm hiểu; chưa tìm tòi và thử nghiệm các kĩ thuật mới cho lục bát, là chưa đóng góp gì vào sự phát triển của lục bát.
Với tình yêu? Gide nói mạnh: Với tình cảm đẹp, chúng ta chỉ làm nên thứ văn chương rẻ tiền.
Còn vốn sống? Proust có lang bạt kì hồ như Hemingway đâu, mà cứ lớn. Còn giàu nghèo, nhà văn có ai nghèo rớt như Dos và giàu sụ như Tolstoi, cả hai đều vĩ đại!
Bạn trung tâm văn hóa lớn, Hà Nội hay Sài Gòn có làm thơ hay hơn Lê Vĩnh Tài ở tỉnh lẻ? Bạn hội viên Hội Nhà văn Việt Nam có hay hơn Lê Đức Nghinh chưa đút túi thẻ Hội trung ương? Hay Inrasara người được coi là nhà thơ dân tộc thiểu số?
Lầm to!
Nhà thơ chuyên hay không chuyên nghiệp, phong trào hay không không là vấn đề. Vấn đề là: Ngoài tài năng, nếu chưa có xúc động lớn, chưa có dũng cảm và nỗ lực lớn, thì chớ mong có tác phẩm lớn!
Sau chuyến đi thăm vùng đất chết Fukushima, nơi xảy ra thảm họa kép, gặp mặt trao đổi với nhà thơ Nhật lão thành, tôi hỏi ông về câu chuyện ấn tượng nhất về vùng đất, ông nói mình là con rể từ xa tới, không rành lắm. Tôi nói:
– Nhà văn là kẻ lưu giữ kí ức dân tộc, và kể câu chuyện đó đến với thế giới.
Tiễn chân tôi, ông đối lại:
– Nhà thơ là người sáng tạo giấc mơ của dân tộc.
Với Bùi Ngọc Hà, chẳng có gì là muộn cả. Nếu muốn, anh có thể thay đổi, vẫn có thể sáng tạo giấc mơ cho chính mình.
Thuk siam!