Bắc tiến-10. TÔI LÀM GÌ?

[1] Năm 2005, sau hành trình dài sáng tác, tôi dấn vào phê bình. Qua con mắt hậu hiện đại, tôi khai mở văn học ngoại vi Việt Nam, mục tiêu: Các khu vực văn học hiểu nhau, từ đó là giàu nền văn học tiếng Việt đương đại.

Đó là giai đoạn tôi hoạt động văn học mạnh nhất: Bàn tròn Văn chương, Cà-phê thứ Bảy Văn học, Tổ chức Ra mắt sách, xét giải…  

+ Sáng tác 7 tập thơ đầu Tháp nắng in 1996, tập cuối Chuyện 40 năm mới kể & 18 bài Tân hình thức-2006; rồi văn xuôi…

+ Phê bình 10 cuốn, tác phẩm đầu Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo-2006, mới nhất: Văn chương tan rã-2019.  Bản thảo cuối: Từ sa mạc chữ đến đô thị văn chương, chưa in.  

[2] Xong chuyện văn chương chữ nghĩa, 2017 – tôi sắm vai luận sư giải minh Agal Kinh sách Cham, và Đi tìm Sinh lộ cho Cham Ahier Awal.

Hiện tôi đã xong: Danak Ahiêr, và 90% Agal Ahiêr.

Danak Ahiêr [bài Kinh hành lễ], do Hội đồng Anh British Council tài trợ, Pô Baic Lưu Sanh Thanh nhập liệu từ văn bản cổ, tôi “san định”, 3 vị Pô Adhya đứng chủ biên.

Agal Ahiêr [Kinh chính] cũng hệt. Hai chúng tôi làm tất, vẫn là 3 vị đứng chủ biên. Đó là nguyên tắc, chứ tôi không giành phần làm “tác giả”! Ở đây tôi xin nói tiếng “đwa apakaal” tạ ơn một bạn Cham ở hải ngoại, sau đó ông anh và yut tôi giúp một tay vào cho chúng tôi làm “sứ mệnh” vô cùng gian nan này. 

Nay công cuộc tạm ổn, tôi vừa gợi ý với Hội đồng Chức sắc Cham Bà-la-môn Ninh Thuận làm đề án xin trên tài trợ, để hoàn thành.

+ Cùng lúc – trong thời gian dài, ở những cuộc nói, tôi tìm khơi “mạch nước ngầm, dòng sông ẩn” đang trầm chảy dưới mảnh đất hình chữ S xinh đẹp và giàu có [một cách nghèo nàn] này.

Sau đó, bạn kinh doanh yêu văn hóa Dương Trung Dũng “đài thọ” tôi ra Bắc mở cuộc “Đi tìm bản sắc Việt” trong bản sắc ĐNA.

[3] Còn “Bắc tiến” lần này, tôi làm hai việc:

– Tự nhận luận sư truyền đạo THƠ, nhằm hóa giải và hòa giải truyền thống và [hậu] hiện đại. Qua tinh thần 3 bài đã đăng…

“Quá trình sáng tạo của tôi là quá trình phá hủy bản sắc tôi”, “Quá trình hiện đại hóa thơ là quá trình cắt bỏ thi tính”, “Hóa giải và hòa giải ba loài thơ hôm nay”.

– Sau đó là, “Văn hóa Cham nhìn từ Cham”, mục đích làm cho các nền văn hóa [nhất là Cham và Việt] NHÌN THẤY nhau.

Tôi – túi không, tâm trắng mà hồn đầy. Ai hay nào cho ăn, cho ngủ, cho cà-phê với trà sáng thì “nói”, và tiếp tục. Còn không, thủ sẵn trong ví 1trieuVNdong, tôi lên tàu quy hồi cố hương.

Heleh!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *