Tiêu biểu cho bệnh này là Trịnh Đạt.
Yêu say đắm loài [thơ] của mình thì chả ai cấm cản, yêu quá hóa càn mới phiền. Tệ hơn nữa, nói càn lấn chiếm hết bốn trang của tạp chí của Hội Nhà văn Việt Nam (“Thơ có vần liệu đã lỗi thời?”, tạp chí Thơ số 9, 2007, tr. 82-85).
Thử mổ nó ra coi thử.
[1] “Dân tộc ta (mà có lẽ không chỉ riêng dân tộc ta) đã giao tiếp bằng lối nói có vần. Đây có thể là phát minh vĩ đại về ngôn ngữ của dân tộc Việt…”.
– Nếu “không chỉ riêng” dân tộc Việt thì chả có gì đáng nói; chớ kêu nó “là phát minh vĩ đại về ngôn ngữ của dân tộc Việt”, thì đích thị là nói càn.
Lục bát là “bản sắc độc đáo riêng của người Việt ta”.
– Có riêng một cõi đâu nào! Lối gieo vần kiểu lục bát là truyền thống chung Đông Nam Á. Ngôn ngữ các dân tộc có cấu trúc khác nhau [đa âm/ đơn âm tiết là một trong những] từ đó cô nàng lục bát có lối đi yểu điệu thục nữ mỗi lúc mỗi nơi mỗi khác, thế thôi!
Lục bát ‘ariya’ Cham so với Việt đã có sự sai lệch nhất định. Tôi đã có tiểu luận khoa học chỉ rõ giống và sai lệch ấy đăng các tạp chí từ một phần tư thế kỉ trước, sau đó hơn mươi lần lặp lại ở nhiều báo khác nhau.
Chuyển hệ…
[2] “thơ không vần… đã có từ những năm bốn mươi của thế kỉ trước… Từ đó đến nay không ai ngăn cấm, song nào đã được mấy tiến bộ?”
– Thế là ta đang tự đóng cửa rồi. Sự đóng cửa này còn được lèn thêm cái khóa là: “chưa thấy sự tổng kết đánh giá của các nhà phê bình có tên tuổi để vạch cái hay cái dở của loại thơ vừa nói”.
– Ô là la. Thử hỏi ông Google, rồi gõ tên Thanh Tâm Tuyền mà xem. Riêng tác giả này thôi cũng có cả trăm bài, chứ đừng nói đến mấy chục tác giả thơ tự do không vần xuất sắc khác.
[3] Tiếp tục chương trình, nhà này còn phát hiện thấy “mặc dầu được báo chí cổ xúy và đăng tải tràn lan…”.
– Thử giở bất kì số nào của tờ Văn nghệ, lượng thơ vần và biến thái thơ vần cứ là ở thế vượt trội!
Rồi “gần hai chục năm nay, người đọc vẫn đang chờ sự tỏa sáng của loại thơ này”. – Thơ tự do không vần tỏa sáng nửa thế kỉ rồi sao lại phải mãi chờ đến hôm nay? Lại tiếp tục nhân danh người đọc, sao không nói “tôi đang đóng cửa năm nhà chờ đợi sự tỏa sáng của loại thơ này”!
Kể nữa thì còn dài, bà con ta dừng ở đây thôi.
Hết báo Văn nghệ đăng lối nói vô bằng của Mai Quốc Liên, đến tạp chí Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam đăng bài kiểu nói càn này của Trịnh Đạt – ế là phải!