Loại thơ cách tân này độc giả Việt Nam không thể chấp nhận – là cách phát ngôn nhân danh. Nhân danh số đông, nhân danh hệ thẩm mĩ chủ đạo đang thống ngự cộng đồng văn học, nhân danh sức mạnh tập thể, như là cách huy động lực lượng nghiêng về phía mình.
Vụ giáo sư Mai Quốc Liên tôi đã nhắc vài lần rồi, ở đây nhấn vào ý “mới”:
“Chủ nghĩa “hậu hiện đại”, “Tân hình thức”… không dễ gì nó vượt qua rào cản người đọc ở nước ta” (báo Văn nghệ, 22-4-2006).
Hỏi chớ người đọc ấy là những ai? Và bộ phận người đọc nào? Sao lại mượn ai khác, mà không nói: “không dễ gì nó vượt qua rào cản lối đọc của tôi”? Một “huy động thêm vốn” không gì hơn tố cáo sự thiếu tự tin ở người viết.
Thế hệ mới hơn, nhà thơ Đặng Huy Giang trả lời phỏng vấn báo Văn nghệ trẻ, tháng 2&3-2012:
“Lâu nay, tôi thường có thói quen đọc các bài “phê bình điểm sách” thơ bằng cách đọc dăm bảy câu thơ dẫn chứng. Nếu thấy các dẫn chứng không thuyết phục thì không đọc nữa. Tôi tin không có “bột” thì dù có tán hươu, tán vượn thế nào, cũng không thể “gột” nên “hồ” được. Dần dần, tôi loại bỏ bằng cách không đọc những bài viết kiểu này. Tôi tin nhiều độc giả cũng cách phản ứng giống tôi.”.
“Nhiều độc giả cũng cách phản ứng giống tôi”, không còn dừng lại ở nhân danh nữa, mà dấn thêm bước mới: đồng hóa khối đông kia với bản thân mình.
“Phản ứng giống” ấy, không sai. Đó là độc giả của sách giáo khoa cấp Trung học Phổ thông. Viết giáo khoa thư THPT, nhà phê bình thường trích bình những đoạn thơ hay, đẹp theo quy chuẩn đã được thừa nhận rộng rãi. Ở đó, “bình” là chính. Trong khi phê bình ngoài trần gian muôn màu thì khác, hoàn toàn khác.
Tại đây, thứ nhất, có khi nhà phê bình chỉ lôi các câu/ đoạn thơ dở để phê, không mục đích nào khác là bảo vệ luận điểm của mình.
Thứ hai, họ có thể dẫn ra các đoạn thơ [họ cho là] hay để luận. Chính điểm này đáng quan tâm hơn cả, vì đoạn trích mà theo quán tính ta cho là “không có bột” nhưng với cách nhìn khác, họ đã “gột nên hồ”, mới đáng giá. Đọc bài phê bình là đọc luận điểm độc đáo cùng lập luận thuyết phục kia của nhà phê bình; các trích đoạn có mặt là cần thiết, nhưng nó chỉ đóng vai phụ.
Lưu trì quán tính lâu đời hay “thói quen đọc các bài “phê bình điểm sách” thơ bằng cách đọc dăm bảy câu thơ dẫn chứng… không thuyết phục” rồi bỏ qua một bài phê bình, là thói tật xấu.
Xấu, và lỗi thời. Lỗi thời, bởi – dấn thêm một bước…
Thứ ba, mỗi hệ mĩ học có cái “hay” khác nhau, chúng bổ sung cho nhau hoặc vượt qua nhau. Nếu đoạn thơ trích dẫn thuộc hệ mĩ học hậu hiện đại, mà ta mãi đứng ở lãnh địa hiện đại dòm qua thấy “không có bột” rồi quay lưng bỏ đi, là vô hình trung ta đóng cửa với chính mình trước cái mới, cái xa lạ rồi còn gì!